Bài ĐỒNG PHÚC
Ni Sư Thích Nữ Tịnh Quang năm nay đã trên 70 tuổi, chào đời tại Gia Nã Đại (Canada), có bằng Cử Nhân Triết Học, tốt nghiệp bằng Phục Vụ Cho Nhân Quyền chuyên về Sức Khỏe Tinh Thần và Điều Trị Bệnh Nghiện, từng được huấn luyện chuyên môn cao cấp hậu cử nhân đại học ở viện Gestalt Institute, Toronto.
Sau nhiều năm học hỏi đạo Phật, cuối cùng Sư đến Việt Nam và thọ giới Tỳ Kheo Ni tại Chùa Bửu Tích ở Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu, với người chủ lễ là Ni Trưởng Thích Nữ Bảo Nguyệt, và do đó Sư mang pháp hiệu Việt Nam là Thích Nữ Tịnh Quang. Mặc dù cũng có tu học ở Nam Hàn trước khi quay về quê hương, Sư Tịnh Quang xem có vẻ gắn bó với quê đạo Việt Nam nhiều hơn, thường nhắc đến những kỷ niệm ở Chùa Bửu Tích và sự thương yêu dành cho các em gái mồ côi được nuôi và tu ở chùa này.
Từ khi về lại Canada, Sư Tịnh Quang lập đạo tràng Little Heron Zen Hermitage ở thành phố Hamilton, tỉnh bang Ontario, không xa địa danh Thác Niagara và thành phố Buffalo bên biên giới Mỹ ở tiểu bang New York. Đạo tràng ấy cũng chính là ngôi nhà ấm cúng của Sư với cư dân Canada sống ở chung quanh, nơi mà Sư dùng để hoằng pháp bằng kiến thức về triết học, tâm lý học và Phật học. Bục giảng pháp của Sư Tịnh Quang chính là trang Facebook mang tên Thich Nu Tinh Quang, nơi mà mỗi ngày Sư truyền bá lòng thương yêu sự sống, trân quí thiên nhiên, bình đẳng trong xã hội, tôn trọng sự khác biệt giữa người với người, và hòa hợp tôn giáo qua những bài viết ngắn, những chia sẻ về âm nhạc, tranh vui, hay hình ảnh đẹp.
Với tinh thần phóng khoáng, Sư Tịnh Quang cũng thường dùng tính khôi hài, sự hiểu biết về văn hóa dân gian Tây Phương để mang niềm vui đến cho các đạo hữu từng ghé trang Facebook của Sư. Thế nên điều không ngạc nhiên là một số “bạn Facebook” của Sư là người Việt Nam.
Mặc dù tâm sự rất nhiều và thường chia sẻ những thông tin cá nhân, kể cả về các thân bằng quyến thuộc, về cha mẹ (cha bị bệnh tâm thần với những ám ảnh tang thương từ ngày trở về từ Đệ Nhị Thế Chiến, và mẹ đã chăm sóc cha trong suốt cuộc đời của ông, không hề than thân trách phận với bất cứ ai), Sư Tịnh Quang hầu như không bao giờ nhắc tới thế danh của mình, gần như hoàn toàn xuất gia theo đúng ý nghĩa của nó. Thế nhưng một buổi kia, hôm 4 tháng Tám, 2020, Sư Tịnh Quang đã bất chợt tâm sự nhiều hơn về lý do tại sao Sư đã theo đạo Phật.
Dưới đây là bài tạm dịch của Tinh Tấn Magazine từ đoạn văn chia sẻ của Sư Tịnh Quang:
Rất nhiều lần trong bốn mươi năm qua, và nhất là từ ngày xuất gia, tôi thường nghe người khác hỏi rằng khi nào hoặc tại sao tôi đã đến với đạo Phật. Trong nhiều năm tôi đã trả lời rằng tôi đến với đạo Phật vào khoảng năm 1974 qua sự tìm hiểu về hệ thống triết lý Advaita Vedanta của đạo Hindu (Ấn Độ Giáo). Khi ấy tôi đang học hỏi để trở thành một vị thầy dạy môn yoga. Thời gian sau, khi đang được huấn luyện để trở thành một chuyên viên điều trị tâm lý tại Viện Gestalt, tôi mới nhận ra một nguồn gốc thật sự sâu xa hơn trong tâm lý của mình từ hồi còn bé, và đó mới chính là nguyên nhân đưa tôi vào con đường của đạo Phật.
Kỷ niệm sớm nhất mà tôi còn nhớ về sự thất vọng ở đạo Thiên Chúa là khi tôi được khoảng bốn tuổi. Mỗi sáng Chủ Nhật tôi được cha mẹ gởi đi học lớp giáo lý ở nhà thờ, nơi mà tôi được nghe dạy rằng nếu tôi không tin ở Thượng Đế thì tôi sẽ xuống Địa Ngục khi tôi chết. Tôi còn được nghe giảng rằng những nhà truyền giáo được gởi đến Phi Châu để cho trẻ em ở đó được nghe về Đức Chúa. Lúc đó tôi cảm thấy có sự bất công, rằng nếu trẻ em ở Phi Châu không hay biết gì về Chúa thì sẽ bị đọa xuống Địa Ngục. Tôi đã không tin ở Thượng Đế, và tôi rất sợ hãi rằng nếu lời dạy của họ là đúng sự thật; nỗi lo sợ đó đã khiến tôi bị thức giấc lúc nửa đêm. Nếu những điều họ nói là đúng sự thật thì quả là tôi sẽ gặp rắc rối lớn; Thượng Đế xem có vẻ là người nóng tính … bão lụt, thiên tai, và thù hằn. Khi còn bé, tôi không thể nào hiểu được rằng trẻ em đã làm nên tội tình gì để bị Thượng Đế gây bão lụt sát hại chúng nó. Tôi từng ăn gian khi hé mắt nhìn trong cuộc chơi gắn-đuôi-vào-con-lừa. Ăn gian như vậy có bị Thượng Đế trừng phạt hay không?
Với hy vọng được nghe câu trả lời, tôi hỏi cô giáo dạy lớp giáo lý ngày Chủ Nhật rằng làm sao cô biết có Thượng Đế. Cô hỏi ngược lại tôi, “Bộ mẹ con không nói cho con biết là có Thượng Đế hay sao?”
Tôi đáp, “Dạ có, nhưng làm sao mẹ con biết có Thượng Đế?”
Cô giáo trả lời với câu, “Chắc là bà ngoại có nói cho mẹ con biết.”
Tôi đáp, “Dạ có, nhưng làm sao bà ngoại biết có Thượng Đế?”
Cô giáo ngần ngừ vài giây rồi hỏi lại tôi, “Bộ con không nghe Cha Fricker nói là có Thượng Đế?”
“Dạ có,” tôi đáp. “Nhưng làm sao Cha biết được có Thượng Đế?”
Cô giáo đã thở dài, trợn mắt với vẻ khó chịu, rồi cô giải thích điều đó có nói trong Kinh Thánh và tôi phải tin rằng điều đó đúng sự thật. Tôi nhận ra rằng không ai có thể chứng minh cho tôi thấy có Thượng Đế. Ai cũng nghe người khác nói hoặc đọc trong sách được viết bởi ai đó. Mặc dù tôi đã tiếp tục đi nhà thờ cho đến năm 15 tuổi với thái độ chống đối, nhưng thật ra Giáo Hội đã mất tôi từ năm tôi mới bốn tuổi.
Vào năm 1953 khi học lớp Một, tôi cảm thấy rất phấn khởi về việc được tập đọc. Tôi được dạy mình hãy nói lớn từng chữ khi thấy chữ ở bất cứ nơi đâu. Một hôm kia mẹ dắt tôi đến một tiệm tạp hóa ở góc phố gần nhà, nơi có vài kệ bày bán sách. Một cuốn sách màu đỏ có chữ Đỏ, tôi liền đánh vần và nói lớn chữ Đỏ. Càng đọc những tựa sách, tôi càng vui thích vì biết mình có thể đọc chữ bên ngoài lớp học. Thế rồi tôi quay qua hỏi mẹ khi đọc mấy chữ này “Z-E-N BU-DD-HI-S-M” (Thiền Phật Giáo). Z-E-N BU-DD-HI-S-M là gì vậy mẹ? Mẹ nói đó là một tôn giáo ở bên Nhật. Tôi theo đạo Anh Giáo và bạn thân của tôi theo đạo Thiên Chúa Pentecostal, và những đứa trẻ sống bên kia đường nhà tôi theo đạo Công Giáo. Thành thử khi nghe có một tôn giáo khác thì tôi ngạc nhiên.
“Thế họ có tin ở Chúa Jesus?” tôi hỏi mẹ, biết rằng người theo Do Thái Giáo không tin ở Chúa Jesus.
“Không, họ không tin ở Chúa,” là câu trả lời.
“Thế thì họ tin gì?” tôi hỏi tiếp.
“Mẹ không biết,” bà nói. “Mẹ không thể giải thích được; họ không suy nghĩ như chúng ta.”
Tôi có cảm giác như bị sét đánh trúng thẳng vào ngực. Tôi tưởng mình sẽ bị té ngửa ra đằng sau. Rồi sự phấn khởi đã mau chóng tràn đến trong tôi! Những con người ở bên kia trái đất khác như thế nào khiến cho họ có thể suy nghĩ khác với chúng tôi? Làm sao mà họ có thể khác được? Tôi không hiểu tại sao tôi lại có thể suy nghĩ như vậy! Ý tưởng đó từ đâu ra? Nó đã đến thật bất ngờ. “Nhìn kìa, có một ý tưởng đang hiện lên, tôi đã không tạo ra nó và cho nó đi vào đầu tôi.”
Tôi còn nhớ mình đứng bên ngoài cửa tiệm với nét mặt nhăn nhó, trong khi đầu óc đang cố gắng suy nghĩ. Đó là một kỷ niệm mà tôi còn nhớ rất rõ. Tôi có thể dắt bạn đến đúng vị trí mà tôi từng đứng với ý tưởng đó.
“Con làm sao vậy?” mẹ tôi hỏi một cách thiếu kiên nhẫn.
Tôi đáp, “Con đang tìm cách suy nghĩ một cách khác.”
Mẹ hối thúc tôi đi, khiến tôi cảm thấy rất buồn và muốn khóc. Tôi chỉ có thể diễn tả lại rằng đó là một nỗi niềm giống như một nỗi buồn. Tôi không thể nào giải thích cho mẹ hiểu phản ứng từ sâu trong nội tâm trước lời hối thúc của bà. Tôi không nhắc tới điều đó nữa sau khi mẹ tôi nói rằng bà không biết tìm đâu ra ở gần nhà có người giúp tôi suy nghĩ một cách khác. Nói chung, họ phải là người đến từ Nhật Bản, mà tôi thì không biết người Nhật nào sống chung quanh đây. Tôi còn nhớ mình tự hứa rằng đây là điều rất quan trọng, và đến một ngày nào đó tôi sẽ học cách “suy nghĩ” giống như người theo “đạo Phật” ở xứ Nhật Bản. Tất cả những ý tưởng đó, cùng lúc cảm nhận được ảnh hưởng của nó đang đánh mạnh trong lồng ngực.
Khoảng một hay hai năm sau biến cố đó, tôi đã tò mò khi thấy một tượng Phật tại nhà của bà nội tôi. Trước tượng Phật, bà thắp nhang, chưng bông hoa và đốt đèn cầy. Tôi thích tượng quá và yêu mến bà; ngày đó tôi không biết một ai khác thờ Phật như bà. Bà nội mà tôi gọi là Nana là người chống tôn giáo. Tôi hỏi Nana tại sao bà lại thắp nhang và có một tượng Phật? Bà nói, “Bà cảm thấy rất an lạc khi bà thắp nhang và ngắm Phật.” Tôi cảm thấy rất yên lòng khi nghe điều đó, và từ đó trở đi tôi được bình an mỗi khi thấy tượng Phật.
Những chủng tử đã được gieo trồng từ khi tôi còn bé, bởi những người mà họ không hề biết rằng họ đang gieo hạt mầm trong tôi, và tôi rất biết ơn họ. Thành thử với sự hiểu biết đó trong lòng và trong tâm, tôi cảm ơn mẹ Nina của tôi, bà nội Nana của tôi, cô giáo Edith tại lớp giáo lý Chủ Nhật của tôi; họ là ba người thầy đầu đời của tôi.
Con đường đạo đã trải qua những nghi vấn, những khổ đau và niềm vui đầy đạo vị. Tôi xem việc hoằng pháp của tôi là một đóng góp nhỏ nhoi cho sự an lạc của tất cả các chúng sanh.
Hình ảnh từ trang Thich Nu Tinh Quang Facebook:
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
Lý do để vị Sư này tới với đạo Phật: vị đó đi tìm tự do cho tâm thức của mình.