Bài TRẦN NGHI HOÀNG
Mấy hôm trước Hoàng Mai Đạt gửi email đề nghị tôi viết bài cho Tinh Tấn Magazine. Trong thư, Đạt có nhắc tới sự ủng hộ tận tình của Phan Tấn Hải. Anh còn gởi kèm theo mấy số báo Tinh Tấn, chắc là để tôi có khái niệm về nội dung cũng như hình thức của tạp chí này. Đọc email Đạt, rồi đọc một bài của Đạt viết về lễ cầu siêu cho Cao Xuân Huy trên tạp chí, gặp lại tên của những người bạn viết cũ từ hơn ba mươi năm trước, lòng tôi thoắt bùi ngùi, nhớ thời thường gặp Phan Tấn Hải tại nhà Tưởng Năng Tiến ở San Jose và giọng nói khá đặc biệt của Hải. Và nhớ Cao Xuân Huy và bữa rượu ở Long Park, San Jose, bữa rượu mà tôi có nhắc tới trong bài viết về Huy trong cuốn “Trần Văn Thủy, Chuyện Không Tử Tế” của tôi. Cuốn sách xuất bản năm 2004, lúc đó Huy còn sống, thỉnh thoảng hai đứa vẫn có liên lạc với nhau. Hốt nhiên, tên hai người bạn bỗng như mang lại cho tôi cả một bầu trời quá khứ. Thời gian đi nhanh như ánh sáng và tất nhiên không phút giây ngừng nghỉ. Tuy nhiên trong bùi ngùi tôi lại nhận ra rằng, có những thứ vẫn bám dính, vẫn song hành với thời gian. Đó là chân lý.
Hơn ba mươi năm trước, tôi đã từng viết hai câu thơ:
“Pháp giới này mở ra để nói những điều mà ai cũng biết
Mà ai cũng nghĩ là”
Bây giờ tình cờ đọc lại hai câu thơ này, tôi cảm thấy như vừa viết nó xuống.
Thử nhắc lại hành trạng kỳ bí của hai vị Tổ Thiền Tông. Nhị tổ Huệ Khả tới gặp Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma để hỏi pháp. Sơ tổ hỏi, “Ông đến gặp ta để làm gì?” Huệ Khả đáp, “Thưa, con đến để cầu pháp.” Sơ tổ hỏi, “Ông cầu pháp chi?” Huệ Khả đáp, “Bạch Hòa Thượng, con cầu pháp an tâm, bởi vì tâm con không an.” Sơ tổ nói, “Hãy đưa tâm ông đây, ta an cho.” Huệ Khả loay hoay năm hồi bảy lượt rồi quỳ xuống phục lạy Sơ tổ, thưa rằng, “Bạch Hòa Thượng, con không tìm thấy tâm của con.” Sơ tổ nói, “Ta đã an tâm cho ông rồi đấy.”
Sau câu nói của Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma, Nhị tổ Huệ Khả hoát nhiên đại ngộ và được Sơ tổ truyền y bát. Không thấy tâm mình ở đâu hết thì đó là chơn tâm, là Như Lai tạng. Còn thấy tâm mình ở đâu đó thì đó là vọng tâm, là thấy nơi cái tâm mình đang trụ vào chứ không phải cái tâm bản lai.
Câu chuyện của Sơ tổ và Nhị tổ được Phật sử ghi là vào khoảng đầu thế kỷ thứ 6 sau Tây Lịch, nhưng trước đó 12 thế kỷ, tức là vào khoảng thế kỷ 6 trước Tây Lịch, trong kinh Kim Cang, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã dạy Tôn giả Tu Bồ Đề về pháp Bồ Tát Thí như sau: “Này Tu Bồ Đề, nếu vị Bồ Tát mà còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, thọ giả, thời chẳng phải là Bồ Tát.”
Còn chấp nơi sắc tướng thì hẳn nhiên không phải là Bồ Tát, chẳng nhất thiết là Bồ Tát. Chỉ cần là một Phật tử vẫn đang đi trên con đường Bồ Tát hạnh mà vẫn khăng khăng chấp lấy cái sắc tướng thì đã đi ra khỏi cái Bát Chánh đạo của Phật pháp. Đức Thế Tôn nói tiếp với tôn giả Tu Bồ Đề: “Tu Bồ Đề, lại nữa, vị Bồ Tát đúng nơi pháp phải nên không có chỗ trụ trước mà làm việc bố thí. Đó là không trụ trước nơi hình sắc mà bố thí. Không trụ trước nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Này, Tu Bồ Đề, vị Bồ Tát phải nên bố thí như thế. Chẳng trụ trước nơi tướng, tại vì sao? Vì nếu vị Bồ Tát không trụ trước nơi tướng mà bố thí, thời phước đức nhiều không thể suy lường. Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ sao? Có thể suy lường được cõi hư không ở phương Đông chăng?” “Bạch Đức Thế Tôn, không thể suy lường được.” “Tu Bồ Đề, có thể suy lường được cõi hư không ở phương Nam, Tây, Bắc, cõi hư không ở bốn hướng cạnh, và cõi hư không ở trên, dưới chăng?” “Bạch Đức Thế Tôn, không thể suy lường được.” “Tu Bồ Đề, vị Bồ Tát không trụ trước nơi tướng mà bố thí, thời phước đức cũng lại như thế, không thể suy lường được.”
Nghe hoặc đọc đoạn Kinh Kim Cang trên ngỡ như là Phật Thích Ca đang dạy cho Tôn Giả Tu Bồ Đề pháp bố thí của Bồ Tát. Nếu Bồ Tát bố thí đúng cái hạnh của mình thì công đức sẽ vô biên vô tận. Thực ra, đây chỉ là ẩn dụ của Đức Thế Tôn. Đấng Thế Tôn muốn dạy cho tất cả các chúng sinh Phật tử chứ chẳng riêng gì Tôn Giả Tu Bồ Đề rằng cái công đức của Bồ Tát thí là vô biên vô lượng cho nên cũng phải thể hiện việc đó bằng cái tâm vô biên vô lượng. Cái tâm không trụ vào bất cứ hình sắc âm thanh ý thức tướng nào cả tức là cái “tâm không,” cái chân tâm. Một cái tâm không ngằn mé.
Chân lý đó 12 thế kỷ sau đã được ngài Bồ Đề Đạt Ma thể hiện qua một phương tiện thiện xảo khác. Ngài Bồ Đề Đạt Ma đã dồn cho Huệ Khả nhận ra được, tâm nào mà ta còn tìm thấy được, đó là vọng tâm. Đó là chỗ trụ, chỗ bám víu của ta chứ không phải cái tâm chân thực của ta. Chân lý Đức Thế Tôn dạy thì triệu tỉ năm vẫn vậy, vẫn không thay đổi. Bởi thế, há chẳng phải pháp giới này mở ra để nói những điều mà ai cũng biết, ai cũng nghĩ là, sao?
Ai cũng biết chân lý là như vậy, như vậy đó, nhưng để hiểu được chân lý một cách ba la mật thì thiên nan vạn nan và phải có đủ cơ duyên và phước duyên.
Rốt ráo, sẽ cũng có người nhận ra rằng bên trong cách Thế Tôn dạy cho Tôn Giả Tu Bồ Đề về phương pháp bố thí của Bồ Tát hay cách của Tổ Bồ Đề Đạt Ma chỉ dẫn cho Tổ Huệ Khả kiến chánh được chân tâm của mình mà giác ngộ cũng đều là phương pháp diệt ngã. Trước hết phải diệt được cái “ngã,” cái tôi của mình thì mới tìm thấy được chân tâm, mới tìm thấy được cái đệ nhất nghĩa đế là Phật tính của mình. Chân lý của Phật quả thật là những điều đã cũ kỹ, cũ kỹ hơn 2500 năm mà cũng có thể hơn cả triệu tỉ năm. Những điều mà ai cũng biết, ai cũng nghĩ là, nhưng thực ra chân lý của Phật mới trong từng sát na và lớn rộng vô biên vô lượng. Nên muốn dung chứa được cái chân lý này, phải có cái tâm vô biên vô lượng, tức là cái tâm không. Tâm Chân Như.
Trong bài viết “Sau Đại Dịch Vũ Hán COVID-19, Thế Giới Sẽ Đi Về Đâu?” ở cuối bài tôi có viết, “Sau đại dịch này, thế giới phải nhìn lại, từng người phải nhìn lại chính mình. Nhìn lại để nhận ra rằng đã đến lúc nhu cầu cho còn khẩn thiết hơn nhu cầu nhận.” Cho, trong ngôn ngữ nhà Phật là bố thí. Và cách bố thí cũng như vật bố thí trong nhà Phật có nhiều phương tiện thiện xảo khác nhau. Nhưng rốt ráo, dù là bằng cách bố thí nào, hay vật bố thí nào, trước hết phải được bao bọc thấm đẫm bằng cái đại từ đại bi. Nói gọn hơn là bằng tình thương của người với người, của người với vạn vật, với thiên nhiên, với môi trường mà bạn đang sống. Không có tình thương bao bọc thấm đẫm, mọi bố thí đều vô nghĩa.
Đến với Phật giáo như đến với một con đường, một cách sống, và sẽ thấy trong trùng trùng triết lý của nhà Phật là trùng trùng những duyên sinh duyên khởi thơ mộng và bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những cái đẹp trong cuộc sống thường ngày.
Xin cầu nguyện cho thế giới sớm được bình yên.
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật!
Gate, Gate, Para Gate! Ngày 20 tháng Sáu, 2020, mùa đại dịch
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.