Bát Nhã Tâm Kinh là kinh giả do người Hoa sáng tác?

*Đọc 25 phút*

Bài VŨ THẾ NGỌC

Năm 1992 Giáo sư Jan Nattier viết một bài nghiên cứu về nguồn gốc của Bát Nhã Tâm Kinh với tựa đề rất khiêu khích “The Heart Sutra: A Chinese Apocryphal Text?” (Tâm Kinh: một văn bản chữ Hoa ngụy tạo?)[1] trên một chuyên san quốc tế về Phật học.[2] Quả thật bài viết đã gây sôi nổi một thời trong giới nghiên cứu Phật học. Trong bài viết Nattier đã đưa ra năm điểm lạ về bản Hán văn Tâm Kinh do Huyền Trang dịch:

1- Tâm Kinh quá ngắn so với các kinh khác.[3]

2- Tâm Kinh (bản ngắn, được coi là bản nguyên thủy) không có “Tự Phần” và “Lưu Thông” truyền thống gồm mở đầu “như thị ngã văn” và giới thiệu về không gian thời gian nói kinh, và kết luận “hoan hỉ tín thụ phụng hành” như ta thường thấy trong các kinh.

3- Tâm Kinh (bản ngắn) không có sự hiện diện của Đức Phật.

4- Vai trò trung tâm của Bồ tát Quán Tự Tại, là một bồ tát chưa từng thấy xuất hiện trong các kinh Bát Nhã khác.[4]

5- Sự xuất hiện của thần chú (thần chú gate ở cuối Tâm Kinh) không thấy có trong các kinh Bát Nhã.

Từ năm nhận định này Nattier đưa ra thêm bốn giả thuyết khác:

  1. Bản dịch T250 mà người ta quen gọi là bản dịch của Cưu Ma La Thập không thật là của La Thập.
  2. Tâm Kinh không phải có từ bản Phạn ngữ Đại Bát Nhãtừ bản Hán văn Đại Bát Nhã Đại Trí Luận (luận về Đại Bát Nhã của La Thập) do Cưu Ma La Thập dịch.
  3. Không có tài liệu viết rõ Huyền Trang dịch Tâm Kinh mà chỉ nói Ngài gặp bản Tâm Kinh lúc ở Trung Hoa trước khi đi Ấn Độ thỉnh kinh.
  4. Thần Chú gate thêm vào cuối Tâm Kinh cũng rõ ràng Tâm Kinh là sáng tác của người sau và ở Trung Hoa.
Bát Nhã Tâm Kinh tiếng Hán

Sau đây là phần trả lời. Nếu nguyên ý là của hai học giả Nhật Bản Fukui và Harada thì tôi sẽ không lập lại chi tiết mà chỉ vắn tắt về luận cứ mà hai giáo sư này đưa ra, cùng với ghi chú xuất xứ văn liệu để độc giả có thể tìm đọc chi tiết hơn. Phần khác là phần giải thích dài hơn là chứng minh và giải thích của riêng tôi.

1- Tâm Kinh quá ngắn so với các kinh khác? Tâm Kinh (bản ngắn) không có sự hiện diện của Đức Phật? Xá Lợi Tử chưa hề xuất hiện trên các kinh Bát Nhã?

Nattier không từng đọc rất nhiều bản kinh rất ngắn trong Tạp A Hàm hoặc Saṃyuktāgama. Từ xưa các học giả đạo sư đều đồng ý các Quảng Bản (các bản Tâm Kinh dài có thêm hai phần Tự Phần và Lưu Thông) là của người sau thêm vào để cho đồng bộ với các kinh khác. Còn riêng Tâm Kinh các học giả đạo sư ngày xưa cũng không tranh luận Tâm Kinh là một bản kinh riêng biệt, mà đa số còn xem Tâm Kinh chỉ là bản tóm gọn tinh hoa của các kinh Bát Nhã (nên không phải là “kinh” theo nghĩa thông thường phải có hai phần Tự Phần và Lưu Thông, hay phải là kinh do chính Đức Phật nói v.v.).

Harada đã vạch ra cho thấy Xá Lợi Tử (Sāriputra) từng xuất hiện trong quyển kinh cổ nhất của các kinh Bát Nhã là Bát Nhã Bát Thiên Tụng 8000 kệ (Aṣṭasāhasrikā Prajñā-pāramitā)[5] cùng với cả Tu Bồ Đề và Ananda.[6] (Xin nhắc lại những chỗ hoàn toàn dựa trên trả lời của Harada, Fukui hay các tác giả khác tôi không lập lại chi tiết, mà chỉ ghi xuất xứ địa chỉ tài liệu)

2. Vai trò trung tâm của Bồ tát Quán Tự Tại, là một bồ tát chưa từng thấy xuất hiện trong các kinh Bát Nhã khác?

Đây thêm một chứng cớ ít đọc của Nattier. Bà chỉ chép lại điều này trong sách Essays in Zen Buddhism của Suzuki xuất bản từ hơn nửa thế kỷ trước.[7] Sách của Suzuki quá danh tiếng, nhưng bà không biết danh tác này cũng có chỗ sai lầm, và sai lầm là ở đây, hai lần liên tiếp Suzuki nhắc lại rằng trong kinh hệ Bát Nhã không có sự có mặt của Bồ tát Quan Thế Âm “In the first place, as far we can ascertain, the Bodhisattva Avalokiteśvara does not appear in any in nay of the Prajnaparamita Sutras”. Ở đây tôi chỉ cần vắn tắt ghi rằng sau Suzuki cả Harada Waso[8] và Loper[9] đều đã trưng rõ Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokiteśvara) đã từng xuất hiện trong các kinh Bát Nhã khác.

3. Bản dịch T250 mà người ta quen gọi là bản dịch của Cưu Ma La Thập không thật là của La Thập mà là của một người đời sau?

Đầu tiên để làm tiền đề cho giả thuyết bản dịch Tâm Kinh T251 của Huyền Trang (604-664) là bản “nguyên thủy”, Nattier phải đả phá rằng không có các bản dịch trước T251. Đây là ý kiến của Edward Conze từ nửa thế kỷ trước. Từ năm 1948 Edward Conze đã chú thích cho biết trong nghiên cứu Die Prajñāpāramitā-Literatur: nebst einem Specimen der Suvikrāntavikrāmi-Prajñāramitā (1932) của Matsumoto Tokumyo cho thấy có thể bản T250 là bản dịch của một đệ tử của La Thập (344-413). Theo nghiên cứu này, Cao Tăng Truyện (viết năm 519 được coi là thư tịch cổ nhất có viết về Cưu Ma La Thập) đã không ghi quyển này là dịch phẩm của La Thập.[10] Tuy nhiên Conze không khẳng định bản T250 là do chính La Thập dịch nhưng ông vẫn chấp nhận quyển T250 là bản sớm nhất. Nghĩa là bản T250 phải là có trước bản T251 là bản của Huyền Trang dịch năm 649. Vì dù bản T250 là “bản dịch của đệ tử của La Thập” thì cũng khó có thể có bản dịch T251 của Huyền Trang sinh sau La Thập 260 năm lại là bản có trước bản T250.

Để củng cố cho giả thuyết này Nattier cũng dựa vào nghiên cứu của John McRae về Tâm Kinh,[11] rằng bảng Mục Lục của Đạo An (312-385) đã mất nhưng còn có trong Xuất Tam Tạng Tâp Ký (出三藏集記)T.55 của Tăng Hựu (僧祐 445-518) viết vào khoảng năm 515 có tên hai bản dịch giống tên Tâm Kinh (T251) là 摩訶般若波羅密神咒 (Ma ha bát nhã ba la mật thần chú – bản 1) và 般若波羅密神咒 (Bát nhã ba la mật thần chú – bản 2) nhưng không đề tên người dịch. Chỉ có bản in sau mới cho tên là Chi Khiêm (支謙 190-250) và Cưu Ma La Thập [12] (bản Chi Khiêm mất từ lâu chỉ còn tên kinh, và bản của La Thập tức là bản T250) cho nên bà cho rằng bản T250 không là của La Thập. Dù lý luận này có thể có lý, nhưng dù “bản T250 không phải do La Thập dịch” thì cũng không thể chứng minh là nó có sau T251.

Cũng vì lý do phần cốt lõi của bản T250 rất giống với Đại Bát Nhã Ba La mật đa kinh (大般若波密多經 ) do La Thập dịch ra Hán văn và cũng giống với Đại Trí Độ Luận của Long Thọ cũng do La Thập dịch ra Hán văn năm 406, cho nên bà cho rằng bản Tâm Kinh T250 phải do một người nào đó sau đó quen thuộc với hai bản dịch này tạo ra.[13] (ý nói là một người Hoa hoặc Huyền Trang).

Giáo Sư Vũ Thế Ngọc trong buổi ra mắt sách tại Thiền Đường Tánh Không, Garden Grove, Quận Cam năm 2017. (Việt Báo)

Khi đọc bài Nattier tôi đã thấy lập luận này của bà rất lỏng lẻo. Phần lý luận rằng bản T250 không là của La Thập đã không hoàn toàn vững trãi, dù người đồng thời với La Thập (334-413) không có ai viết La Thập dịch T250 thì cũng chưa chứng minh là La Thập không dịch T250. Hơn nữa rõ ràng Nattier cũng chưa chứng minh bản T250 có sau bản T251 của Huyền Trang (604-664) người sinh sau La Thập tới 260 năm mà còn cho là bản Tâm Kinh đầu tiên Huyền Trang được thấy trước khi Tây Du là bản T250. Thêm vào đó Fukui cũng cho thấy trong Khai Nguyên Thích Giáo Lục 開元釋教綠 của Trí Thăng hoàn tất năm 730 cũng đã có đề tên La Thập là tác giả bản dịch T250.[14]

Thêm vào đó chính Nattier cũng đưa ra, đó là lý do bản T250 của La Thập rất giống Đại Bát Nhã và Đại Trí Luận (cùng do La Thập dịch) thì nếu có người dựa vào đây để lập ra giả thuyết cho rằng ba kinh luận này đều là của La Thập viết ra, thì giả thuyết này lại có còn vững hơn giả thuyết của Nattier cho rằng đó là lý do La Thập không thể là dịch giả của T250.

Ở đây tôi không đi vào tranh luận bản T250 có là do La Thập dịch hay không (nhưng sẽ chứng minh bản T250 phải có trước bản T251) tôi còn cho thấy giả thuyết Huyền Trang dịch Tâm Kinh (T251) dưới ảnh hưởng của bản T250 thì có xác suất đúng còn cao hơn. Đến khi so sánh hai bản T250 và T251 với các bản dịch kinh luận Bát Nhã của La Thập ở chương IV, thì giả thuyết này đối với tôi càng có ý nghĩa hơn.

Cũng nên tôi cần ghi chú ở đây là quan niệm dịch () của cổ đại Trung Hoa và đặc biệt vấn đề trùng dịch (dịch lại) trong kinh điển. Quan điểm này rất khác ý niệm translation (dịch)của ngày nay rất nhiều. Thí dụ như chúng ta thử xem lại phần căn bản của 8 bản Hán văn Tâm Kinh chúng ta đang có trong Đại Tạng thì chúng ta thấy ngoài dăm chữ khác biệt, đại thể chúng y hệt nhau, nhưng mỗi bản đều có danh xưng của từng vị dịch giả với ngày tháng năm dịch – Cho nên chúng ta thấy tiêu chuẩn “dịch” và “trùng dịch” trong kinh sách ngày xưa rất khác với quan niệm “translation” của ngày nay – Đặc biệt là với các luật bảo vệ tác quyền (copyright) thì các vị đại sư dịch giả của chúng ta ngày trước từ La Thập đến Huyền Trang chắc sẽ rất nhức đầu, vì nhiều bản dịch của họ chỉ là “trùng dịch” (dịch lại).

4. Tâm Kinh không phải có từ bản Phạn ngữ pañcaviṃśathisāhasrikā prajñā pāramitā (Nhị vạn ngũ thiên bát nhã tụng) mà từ bản dịch Hán văn Đại Bát Nhã và Đại Trí Luận?(Ý nói Tâm Kinh chỉ có thể được sáng tác ở Trung Hoa)?

Chúng ta nên biết Đại Bát Nhã là một bản kinh tự bản thân đã có nhiều dị bản khác nhau, đúng như Edward Conze đã viết trong The Prajna-paramita Literature.[15] Trong Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh chúng ta hiện có đến 4 bản Hán dịch Đại Bát Nhã. Bản đầu tiên là do Dharmaraksha (Trúc Pháp Hộ) dịch năm 286 dài 70 trang (tính theo trang giấy Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh) đến bản thứ hai của Moksala (Vô Xoa La) dịch năm 291 đã dài đến 146 trang, bản T. 223 La Thập dịch năm 404 dài 208 trang, bản T.220 Huyền Trang dịch năm 663 dài 426 trang. Như vậy chứng tỏ rõ ràng là chúng ta từng có nhiều văn bản kinh này dài ngắn rất khác nhau đúng như lời của Conze đã nói. Và quan trọng là chưa có ai xác định bản Sanskrit nào là nguyên bản của các bản dịch Hán văn chúng ta đang có.

Hơn nữa bản Phạn văn Đại Bát Nhã mà Nattier [đã đọc] không phải là cùng một bản nguyên bản của các bản Hán văn có trong Hán Tạng. Chúng ta hiện có nhiều bản Phạn văn Đại Bát Nhã như văn bản thế kỷ IV mới khám phá ở Gilgit (Pakistan) năm 1931[16] và các văn bản Phạn văn được giữ ở Nepal trong nghiên cứu của Conze 1947 và chưa kể 4 bản dịch chữ Hán chạy dài từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ bảy vừa nói trên. Cho nên điều Nattier cho rằng “việc hai bản (Phạn văn pañca- và Phạn văn hṛdaya) giống nhau về nội dung nhưng khác nhau về ngữ vựng, cho thấy việc Nattier kết luận “chỉ có thể cắt nghĩa là bản Phạn văn hṛdaya chỉ là bản phản dịch từ bản Tâm Kinh Hán văn”[17] là không chính xác.

Trước hết, trong nghiên cứu này Nattier đã làm “thao tác” ngôn ngữ khi bà so sánh đoạn văn hṛdaya với bản Phạn ngữ pañcaviṃśathisāhasrikā prajñā pāramitā để chứng minh “nội dung chúng giống nhau, nhưng từ ngữ và văn pháp khác nhau”. Nattier còn chứng minh về văn Phạn ngữ pháp thì hṛdaya không chuẩn như pañcaviṃśathisāhasrikā prajñā pāramitā để cho rằng người “viết” hṛdaya chỉ có thể là người “ngoại quốc”[18] (ý nói Huyền Trang dịch hṛdaya từ bản Hán văn Tâm Kinh của chính mình) chứ không phải do người “bản xứ” (Ấn Độ) viết.

Thao tác đối chiếu ngôn ngữ của bà làm nhiều người không trong giới chuyên môn rất thán phục về bài báo “uyên bác” của bà.[19] Hiện nay chúng ta có rất nhiều bản dịch Anh ngữ từ bản Hán văn T251. Ai cũng có thể thấy ngay văn phạm và câu cú của chúng rất khác biệt. Có nghĩa là “nội dung chúng gần giống như nhau, nhưng từ ngữ khác nhau, và đương nhiên văn pháp văn phạm của những bản tái phản dịch (back-translation) cũng không thể chuẩn như bản đầu” như lời phê bình của Nattier về các bản Sanskrit và bản Hán dịch của Huyền Trang và La Thập. Mọi người đều có thể rất dễ làm lại thí nghiệm đơn giản này để cho thấy “nghiên cứu” của Nattier không có đủ trọng lượng để giải thích hay chứng minh điều gì cả, mà chỉ như một loại thao tác làm bài tập (excercise) như chúng ta cho sinh viên học về ngôn ngữ tỷ giảo thế thôi.[20] Vì vậy tôi mới hiểu Fukui phê bình (đọc thì rất nhẹ nhàng) là Nattier chỉ mới so sánh một bản Tâm Kinh với một đoạn Đại Bát NhãĐại Trí Độ bản dịch của La Thập thì không có ý nghĩa nào cả để đòi kết luận là Tâm Kinh giống hay sai kinh điển Đại Bát Nhã.

5. Không có tài liệu viết rõ Huyền Trang dịch Tâm Kinh mà chỉ nói Ngài gặp bản Tâm Kinh lúc ở Trung Hoa, trước khi đi Ấn Độ thỉnh kinh?

Theo chúng ta biết, theo Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện (大唐大慈恩寺三藏法師傳) của 慧立 (Huệ Lập) đệ tử Huyền Trang, ghi lại hai chuyện, một là Huyền Trang được vị tăng lạ cho Tâm Kinh ở chùa Không Huệ, Ích Châu trước khi lên đường Tây Du, ngày đến Ấn Độ Huyền Trang có gặp lại vị này ở tu viện Nalanda. Việc thứ hai là khi học ở Nalanda thì Huyền Trang không thấy có quyển Đại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh, nên Huyền Trang cũng từng dịch quyển này ra Sanskrit.[21] Vì hai chuyện này đã khiến Nattier càng tin là chính Huyền Trang là người đã phản dịch (back-translation) từ Tâm Kinh chữ Hán ra bản Phạn văn hṛdaya, cho nên Nattier viết: “Thêm vào nữa là các bản chú sớ chữ Sanskrit đầu tiên về Tâm Kinh chỉ xuất hiện ở Ấn Độ nhiều năm sau khi Huyền Trang đến đây… Vì vậy cho đến khi có thêm tài liệu khác, Huyền Trang tiếp tục chính là người có khả năng là người phổ biến Tâm Kinh vào Ấn Độ”.[22]

Nhưng cũng từ đây tôi thấy Nattier cũng tự mâu thuẫn và chỉ muốn nhìn thấy những gì bà muốn thấy. Thí dụ điển hình là khi từ chối bản dịch T250 không phải là của La Thập, nhưng lại cho bản Tâm Kinh mà Huyền Trang được tiếp xúc lần đầu tiên khi chưa Tây Du chính là bản T250, hoặc chỉ sử dụng truyện về Huyền Trang của Huệ Lập khi phù hợp với ý kiến của bà. Nattier luôn luôn đòi phải có chứng cớ Tâm Kinh từ các nguồn Ấn Độ, nhưng bà không biết là Phật giáo đến thế kỷ X đã bị tàn hoại ở Ấn Độ. Đã từ lâu người ta không hề tìm ra văn bản Phật giáo Sanskrit nào ở Ấn Độ, kể cả các sáng tác danh tiếng của một đại sư danh tiếng lẫy lừng như Long Thọ, thì làm sao bà đòi hỏi phải có bản Tâm Kinh bằng Sanskrit ở Ấn Độ. Bà không biết là các kinh luận Phật giáo bằng các loại chữ Phạn trong những thế kỷ vừa qua tìm lại được, không phải từ đất Ấn Độ mà hầu như tuyệt đối chỉ được tìm thấy ở các địa chỉ khảo cổ hay các chùa cổ ở quanh Nepal, Tây Tạng hay tận ở Gandhara (tây bắc Ấn Độ và bắc Pakistan và đông Afghanistan) – Gandhara chính là quê hương của các ngài Vô Trước (Asanga 300?-370?) và Thế Thân (Vasubandhu 316-396) và một thời từng là trung tâm Phật giáo Đại thừa rất lớn. [23]– Tại nội địa Ấn Độ, ngoài một số di tích, ngay cả trong suốt thế kỷ trước chúng ta hầu như chưa hề tìm thấy các cổ thư Phật giáo lớn nào nói gì đến Tâm Kinh rất ngắn nhỏ.

Sự thực Nattier không đủ khả năng hay thời gian để đi sâu vào nội dung mênh mông và thư tịch Hán ngữ.[24] Cho nên bà cũng bỏ quên rằng trong chính quyển tiểu sử trên của Huệ Lập cũng đã từng viết “bản Phạn văn Bát Nhã Tâm Kinh được Đại Đường Tam tạng Pháp sư Huyền Trang dịch âm”[25]. Trong quyển “Khai Nguyên Thích Giáo Lục” của Trí Thăng, nhà Đường, cũng còn viết “Bát Nhã Tâm Kinh được dịch vào ngày 24 tháng năm năm Trinh Quán thứ XXIII (Tây lịch 648) tại cung Thúy Vi, núi Chung Nam, sa môn Trí Nhân thụ bút” (…卷貞觀二十三 年五月二十 四日於 終 南 山….)[26] Ngoài tài liệu Phật sử, còn có nhiều chính sử Trung Hoa cũng còn ghi cả nơi chốn ngày tháng Huyền Trang “phụng chiếu dịch” như bia đá năm 672 (và mới đây bia đá năm 661) hoặc chữ của chính Huyền Trang khi dâng bản dịch Tâm Kinh viết trên giấy vàng, dâng kinh mừng vua “Vào ngày 5 tháng 12 năm Vĩnh Huy thứ sáu (Tây lịch 656) đã dâng bản dịch Tâm Kinh “viết bằng chữ vàng” lên mừng vua Đường Cao Tông một tháng sau khi sinh hoàng tử”.[27]

Tóm lại Nattier không đọc đủ tất cả những tài liệu khác mà bà không thích, hoặc là bà không chấp nhận tất cả các tài liệu bằng Hoa văn. Tôi nghĩ rằng bà chỉ có khả năng ngôn ngữ một cách tổng quát, vừa không phải là nhà ngữ học, đặc biệt bà không phải là người nghiên cứu chuyên sâu Phật học nên số vốn cổ ngữ học trong vài năm đại học không đủ giúp bà đọc sâu và đọc rộng hơn. Nattier có thể biện bạch rằng nhiều tài liệu tôi kê cứu ở trên đều viết sau khi Huyền Trang mất.[28] Nhưng Nattier lại cũng tận dụng tiểu sử của Huyền Trang do Huệ Lập viết mà không biết Huệ Lập cũng viết sách này sau khi Huyền Trang mất và Huệ Lập cũng chết khi chưa hoàn tất quyển 大唐大慈恩寺三藏法師傳 (và phần còn lại của sách này là do học trò của ông viết tiếp).

Bà Jan Nattier giảng tại Chương Trình Tiến Sĩ Phật Học của trường Mahidol University, Thái Lan tháng Hai, 2018. (Facebook)

Nattier thường lập lại nhiều lần là không có học giả nào trước Huyền Trang nói về Tâm Kinh hay có bản Tâm Kinh nào khác trước khi có bản dịch của Huyền Trang, mà bà không thấy Huyền Trang đã từng nổi tiếng là nhà sư trẻ trí thức cũng chỉ biết đến bản Tâm Kinh trước khi Tây Du thỉnh kinh. Cho nên như tôi đã trình bầy, bằng cách từ chối bản dịch T250 là của La Thập (344-413) mà do người đời sau viết (dù bản T250 có thể không do chính La Thập dịch và do đệ tử ngài dịch nhưng vẫn có trước Huyền Trang cả hơn 260 năm). Ngay một nhân vật lớn như Aryadeva mà Nattier cũng không cần biết đến Aryadeva (Thánh Thiên Đề Bà, thế kỷ thứ III đệ tử duy nhất của tổ sư Long Thọ) từng viết về Bát Nhã Tâm Kinh còn giữ trong Tục Tạng Kinh.[29] Có lẽ theo Nattier thì tài liệu này chỉ còn có bản dịch Hán văn, nên cũng không thể tin được?

Dựa theo nghiên cứu của McRae[30] (mà chính ông lại sử dụng hầu như chỉ có tài liệu Hán văn) Nattier còn nói thêm bộ Đại Bát Nhã, gồm rất nhiểu tiểu kinh được sắp xếp thành các chương (quyển) của Huyền Trang dịch cũng chưa hề có bóng dáng Tâm Kinh nên kết luận Tâm Kinh không thể là bản dịch từ Phạn ngữ mà Tâm Kinh là do người Hoa viết ra mà thôi.[31] Như tôi đã trình bầy ở trước, Nattier quên rằng:

1- Có rất nhiều bản Đại Bát Nhã (cả Sanskrit lẫn Hán văn).

2- Riêng bản Sanskrit cổ nhất vào thế kỷ VI (trước bản T251 của cả thế kỷ) pañcaviṃśathisāhasrikā prajñā pāramitā tìm được ở Gilgit (Pakistan) mới đây vào năm 1931, thì dù bị rách nát và mất nhiều trang, nhưng rất may vẫn còn rõ ràng có đoạn văn rất giống Tâm Kinh lẫn Trí Độ Luận.[32]

3- Và như tôi đã nhắc lại trong Chương VIII sách Bát Nhã Tâm Kinh Tổ Long Thọ Giảng, Suzuki cho biết cuối bản Đại Bát Nhã của Huyền Trang dịch lại có cả thần chú Gate.

Giáo sư Fumimasa-Bunga Fukui,[33] vị học giả chuyên khảo về Tâm Kinh, cho rằng thuyết của Nattier nếu chứng minh được sẽ làm rung động giới học giả Nhật Bản “Như mọi người đều biết Tâm Kinh là một kinh trong những Kinh được tôn trọng nhất ở Nhật Bản, nếu quả thật chứng minh được kinh này là kinh giả (apocryphal) thì đây đúng là một chấn động.”[34] Ông phê bình Nattier rất sâu sắc và kỹ lưỡng cho nên sau các bài viết của ông, bài báo “chấn động” của Nattier chỉ còn đọng lại trên internet, nằm chung với các bài viết có khuynh hướng gọi chung kinh điển Đại thừa là “sáng tác” của các tác giả đời sau – Về ý tưởng này thì quả thật cho đến ngày nay chúng ta chưa tìm thấy bất cứ bản kinh chữ viết nào (kể cả Bắc tạng Sanskrit lẫn Nam tạng Pali) có trong thời Đức Phật tại thế hoặc cả trong nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật nhập Niết bàn – Kinh Đại thừa thì còn xuất hiện chậm hơn nữa.

Đầu tiên Fukui cho thấy sự phân chia Tâm Kinh làm ba phần của Nattier chỉ là ý kiến của riêng bà mà chưa thấy tiền lệ. Ông cũng nói ý kiến cho rằng thần chú Gate chỉ được cố tình thêm vào sau đó cũng chỉ là một ý kiến không có chứng minh để nói đây là Tâm Kinh viết ở Trung Hoa (tôi đã viết chi tiết trong sách Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng (2019). Cuối cùng Fukui cho biết các ý kiến chính của nội dung bài viết của Nattier chưa bao giờ trong lịch sử Trung Hoa có tài liệu nào nêu ra các ý tưởng tương tự. Theo Fukui thì Huyền Trang đã dịch rất nhiều kinh luận, nếu Nattier có thể cho rằng tất cả là giả mạo, thì cứ chứng minh. Nhưng thực tế, theo Fukui, thì Nattier chỉ có căn cứ vào rất nhỏ trong số này (gồm Tâm Kinh tức bản T251 của Huyền Trang, bản Sanskrit hṛdaya, và một đoạn ngắn trong Đại Bát Nhã)[35] “thì chẳng có thể gọi là chứng minh được gì cả”.[36]

Ngay về tiểu sử của Huyền Trang thì dù Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện không có ghi rõ Huyền Trang dịch Tâm Kinh, ngày nào nhưng trong chính tiểu sử đó, Fukui cho biết chính Huệ Lập cũng có viết “bản Phạn văn Bát Nhã Tâm Kinh được Đại Đường Tam tạng Pháp sư Huyền Trang dịch âm”. Fukui còn đưa ra chứng cớ trong bia đá khắc năm 672 cũng đã đề rõ người truyền lệnh cho Huyền Trang dịch Tâm Kinh chính là vua Cao Tông với cùng tên tuổi các đại thần của nhà vua cũng đều có tên trong bia này, nhà vua và những vị này đều là người cùng thời với Huyền Trang.[37] (Khi Fukui viết sách này ông chưa biết việc khám phá ra bia đá khắc năm 661.)

5- Thần Chú gate thêm vào cuối Tâm Kinh cho thấy rõ ràng Tâm Kinh là sáng tác của người sau và ở Trung Hoa?

Lại một lần nữa Nattier nhắm mắt chép sách của Suzuki mà không cần kiểm chứng lại.[38] Riêng về đề tài này, như tôi đã nói rõ về việc Suzuki giải thích thần chú Gate Tâm kinh ở Chương VIII (sách Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng) và chứng tỏ việc có thần chú Gate ở cuối Tâm Kinh không có ý nghĩa gì với giả thuyết Tâm Kinh là sáng tác của người Hoa ở Trung Hoa, ở đây tôi chỉ lập lại các ý đó. Mặc dù chúng ta biết kinh hệ Bát Nhã xuất hiện trước khi Mật Tông (nổi tiếng là chuyên trì tụng thần chú) thành lập trong Phật giáo (Kinh hệ Bát Nhã xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch và tiếp tục cho đến thế kỷ thứ tư Tây lịch, còn “mật tông” chỉ trở thành một tông môn Phật giáo vào thế kỷ VII-VIII). Nattier biết điều này nên bà lập luận nếu Tâm Kinh là thuộc kinh hệ Bát Nhã thì tại sao lại có sự hiện diện của thần chú gate?

Đây là một kết luận vội vàng và không có chứng minh gì hết. Đúng như Nattier biết, Đức Phật chưa hề dạy mật chú hay thần chú, nhưng sinh hoạt về mật chú thì thần chú là một hiện thực trong xã hội Ấn Độ còn có trước cả khi Phật giáo có mặt. Cho nên kinh Phật của cả Đại thừa lẫn Theravāda đều đã nói đến thần chú, như trong kinh Ratana Sutta, Karatiyamettā Sutta, của kinh hệ Pāli hay kinh Saddharmapudarika Sūtra (Liên Hoa), Lankāvatāra Sūtra (Lăng Già) v.v. Mật Tông thật sự trở thành một tông môn Phật giáo từ khoảng thế kỷ VII, nhưng Mật tông cũng đã có một lịch sử riêng biệt từ rất xưa với các tập tục về thần chú, và các tông môn Phật giáo trong khoảng thời gian trước đó vẫn có các tu sĩ ưa chuộng thần chú – Tất cả các luận giải này tôi đã viết chi tiết trong chương VIII về thần chú Gate trong sách Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng.

Cũng vì điều này tôi biết rằng Nattier chưa học kinh điển Bát Nhã mà bà chỉ tìm đọc một đoạn Sanskrit Đại Bát Nhã khi muốn so sánh với bản Sanskrit Tâm Kinh (như giáo sư Fukui đã phân tích). Như tôi đã trình bầy trong Chương VIII về thần chú Gate, bản kinh Sanskrit pañcaviṃśathisāhasrikā prajñā pāramitā (Nhị vạn ngũ thiên Bát Nhã tụng) viết vào thể kỷ VI tìm được ở Gilgit, Pakistan năm 1931, không những đã có nói đến thần chú mà còn dùng các danh xưng giống như Tâm Kinh “là đại minh chú, là vô thượng chú v.v.”[39] mà trong luận Đại Trí Độ của Long Thọ mà La Thập dịch và kinh Đại Bát Nhã cũng do La Thập dịch vào khoảng năm 406 cũng có các dòng chữ như vậy.

Như đã nói, kinh luận Phật giáo thời đầu ít nói đến thần chú, nhưng lúc Tâm Kinh xuất hiện cũng là thời xã hội Ấn Độ đang cùng cực phát triển các loại trì chú, chân ngôn. Vì vậy như tôi đã trình bầy, Tâm Kinh muốn nhấn mạnh “Tâm Kinh có giá trị như một thần chú” (còn việc người sau muốn dùng Tâm Kinh làm thần chú là việc của đời sau[40]) không chỉ như là một thần chú thông thường, mà Tâm Kinh còn nhấn mạnh “là một đại thần chú, một thần chú siêu việt và cao sâu hơn tất cả mọi thần chú khác vì Tâm Kinh có thể đưa người hành trì đến giác ngộ”. Để nhấn mạnh tất cả các thần chú khác chỉ có hiệu năng, nếu có, là giải quyết một số vấn đề gần gũi và cụ thể của nhân sinh như chữa bệnh tâm thần và thân thể.

Như thế theo lý giải này, việc đọc riêng thần chú gate, hay xem cả Tâm Kinh là một thần chú hay tổng trì thì có thể chỉ là của người hành trì thời sau mà thôi. Rõ ràng và cụ thể hơn nữa, như trong Chương VIII (sách Bát Nhã Tâm Kinh) viết về thần chú gate, tôi cũng đã nói đến thế kỷ IX Mật tông đã đưa hẳn Tâm Kinh vào hệ thống tu tập của mình, chứng cứ rõ ràng là Đà La Ni Tập Kinh (阤羅尼集經) của Mật tông đã dành hẳn một chương để nói về Tâm Kinh.

Thực tế chúng ta cũng thấy Tâm Kinh bằng Hán văn có mặt ở Trung Hoa và nổi danh rất lâu trước khi được dịch ra Tạng ngữ để phổ biến ở Tây Tạng. Nhưng khi Tâm Kinh đến Tây Tạng và các quốc gia trong khu vực có ảnh hưởng mật giáo, Tâm Kinh không những được chấp nhận mà lập tức được sử dụng như một thần chú căn bản trong mọi nghi lễ hành trì của Phật giáo các nước này, trong khi ở Trung Hoa, người ta căn bản chỉ tụng đọc Tâm Kinh. Cho nên đến ngày nay người Tây Tạng tiếp tục sử dụng thần chú gate và nguyên cả Tâm Kinh như một thần chú “trị mọi thứ bệnh tật và đáp ứng mọi ước vọng.” Trong khi đó trong thực tế hành trì của người Hoa (hay Việt Nam) người ta thường chỉ tụng đọc Tâm Kinh như các kinh khác mà thôi. Dù Tâm Kinh vô cùng nổi tiếng và được hằng trăm triệu người Á Đông tụng đọc và tin tưởng trong nhiều thế kỷ nhưng không phát triển thành một thần chú trong sinh hoạt hành trì như ở các quốc gia như Tây Tạng, Nepal, Mông Cổ … Cho nên việc thần chú gate dù có chứng minh được là thêm vào “Tâm Kinh gốc” thì việc này cũng không thể là lý do chứng minh Tâm Kinh do Huyền Trang hay một người Trung Hoa nào đó ở Trung Hoa sáng tác.

Kết Luận: Khám phá năm 2016

Tôi gọi đùa đây là “trái bom tấn” có nghĩa một khám phá mới năm 2016 là giải thích cuối cùng gạt bỏ giả thuyết của Nattier. Trước năm 2016 các học giả lớn như Fukui cũng chỉ biết đến bia đá 672, được khắc 8 năm sau khi Huyền Trang mất, nên bị Nattier và vài người ủng hộ phản đối rằng “bia đá khắc sau khi Huyền Trang mất thì không thể chứng minh nó chỉ là bản dịch.” Nhưng cuối cùng, như tôi đã trình bầy ở Chương IV (sách Bát Nhã Tâm Kinh) năm 2016 Quốc Gia Văn Vật Cục 国家文物局 của nhà nước Trung Hoa công bố việc tìm thấy hai bia đá Tâm Kinh khắc vào năm 661 và 669 ở 房山 (Phòng Sơn) giống như bia đá khắc năm 672 ở chùa cũ của Huyền Trang là Đại Từ Ân Tự 大慈恩寺 ở gần cố đô Lạc Dương. Nên biết từ lâu Phòng Sơn Thạch Kinh[41] gần Bắc Kinh vốn đã là một danh thắng nổi tiếng với hơn 1,500 tấm bia đá cổ được đặt khắp sườn núi và trong các hang động ở cả một vùng núi đá mênh mông. Năm 2016 tấm bia cổ nhất mới tìm thấy ở đây đề rõ khắc vào năm Hiển Khánh 显慶 thứ sáu đời Đường Cao Tông (唐高宗) tức là năm 661 (ba năm trước khi Huyền Trang mất năm 664) gồm có lời chú thích khắc trên bia 三藏法師玄奘奉詔譯 “Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu dịch.”[42] Tấm bia thứ hai cũng mới tìm thấy ở đây là bia khắc vào “Tổng Chương nhị niên” (总章二年) tức là năm 669 dưới đời Đường Cao Tông, cũng có câu “Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu dịch.” Câu này đều được khắc trong cả ba bia đá (661, 669 và 672) cùng với nhiều tên quan chức danh tiếng dưới triều vua Đường Cao Tông mà chúng ta ngày nay hãy còn biết được qua sử sách. Có lẽ sau những trả lời và giải thích của Harada Waso và Fukui Fumimasa, việc tìm ra hai bia đá ở Phòng Sơn đã giúp cho chúng ta chấm dứt thảo luận về giả thuyết Tâm Kinh là “kinh giả” do người nào đó ở Trung Hoa tạo ra và Huyền Trang hoặc là người “sáng tác” hoặc “phản dịch” (back translation) ra Phạn văn.

*

Như đã trình bầy ở các chương trước, bài viết của Nattier không có giá trị nào về nghiên cứu nội dung Tâm Kinh (là mục đích nghiên cứu của tôi), cho nên cá nhân tôi không chú ý đến bài viết này từ gần hai chục năm qua. Tuy nhiên khi viết luận này về Tâm Kinh, tôi nhận thấy phải có đôi lời nhận xét vì dù sao bài báo của bà vẫn có giá trị là đặt ra một số vấn đề văn bản lịch sử cho nên độc giả cũng nên biết. Bài viết này cũng còn vì lý do trong thời gian gần đây trên internet có phổ biến nhiều bài viết và pháp thoại của một số tu sĩ và chức sắc ở Việt Nam đưa ra ý kiến cho rằng kinh Đại thừa chỉ là “kinh tưởng” do người Hoa sáng tác.[43]

Nhân khi viết luận này, tôi có phân tích khá kỹ về nội dung Tâm Kinh so với nội dung văn bản các tài liệu Phạn ngữ liên hệ, nên có ghi lại một số ghi nhận viết thành tiểu luận “Chứng cớ từ nội dung Tâm Kinh” để thảo luận về nguồn gốc Tâm Kinh. Như đã nói từ đầu rằng nội dung Tâm Kinh mới là vấn đề quan tâm của tôi, cho nên tiểu luận “Nguồn Gốc Phạn Ngữ của Bát Nhã Tâm Kinh: Nghiên Cứu Nội Dung Văn Bản” của sách Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng mới là nội dung cơ bản để hoàn toàn bác bỏ mọi nghi vấn về nguồn gốc Trung Hoa của Bát Nhã Tâm Kinh.


[1] Chữ apocriphal là một thuật ngữ có gốc từ văn hóa Kinh Thánh, chỉ về một tài liệu giả mạo bịa đặt cho là một thành phần của Bible.

[2] Nattier, Jan. “The Heart Sutra: A Chinese Apocryphal Text?” Journal of the International Association of Buddhist Studies 15, no. 2 (1992): 153-223.

[3] Chú ý từ đây từ “Tâm Kinh” được dùng để chỉ bản Hán văn của Huyền Trang, “hridaya” [hṛdaya] là chữ để chỉ bản Phạn văn Tâm Kinh, Đại Bát Nhã chỉ cho bản dịch Hán văn và Panca chỉ bản Sanskrit pañcaviṃśathisāhasrikā prajñā pāramitā (Nhị vạn ngũ thiên bát nhã tụng)

[4] Đây là điều sai lầm đầu tiên của Nattier cũng vì bà chép theo Essays in Zen Buddhism (third Series) của D.T. Suzuki (Đây là sai lầm của Suzuki, xem phần sau).

[5] Người Á Đông quen gọi là “Tiểu Phẩm Bát Nhã” do Chi Lâu La Sấm (Lokakshema) dịch năm 180 dưới tên là Đạo Hành Bát Nhã Kinh (T227) La Thập dịch năm 382, Huyền Trang dịch năm 660.

[6] Harada Waso, Hannya shingyō no seiritsu shiron 般若心経成立史論 (History of the Establishment of Prajñāpāramitāhṛdayasūtraṃ), 2002

[7] Suzuki, Essays in Zen Buddhism, 3rd Series, sđd, tr. 226

[8] Harada Waso. Ibid, tr. 77-78

[9] Lopez, Donald S., Jr. The Heart Sutra Explained: Indian and Tibetan Commentaries. State University of New York Press, 1988, trang 19 và 188.

[10] Conze, Edward. Buddhist Studies 1934-1972, sđd, tr.154

[11] McRae, John. “Ch’an Commentaries on the Heart Sutra: Preliminary Inferences on the Permutation of Chinese Buddhism,” Journal of the International Association of Buddhist Studies 11, no.2 (1988): 87-115. .

[12] Nattier, bđd, tr.183

[13] Nattier, bđd, tr.188

[14] Fukui, sđd, tr. 177

[15] Conze, Edward. The Prajnaparamita Literature, tr. 35

[16] Như sẽ nói trong đoạn sau về một trang bản Gilgit 250,000 kệ (pañcaviṃśathisāhasrikā prajñā pāramitā) – do Gregory Schopen và Paul Harrison chuyển tự (transcription) có trong sách của Kazuaki Tanahashi, The Heart Sutra (sđd) trang 205-206.

[17] “Such a striking similarity in content, combined with an squanlly striking difference in vocabulaty, can only be explained as the result of a back-translation” Nattier, bđd, tr. 172

[18] Tôi không nghĩ rằng Nattier giỏi Phạn văn hơn Huyền Trang để chứng minh Huyền Trang đã dịch Hán văn ra Phạn văn một cách không chuẩn như thế.

[19] Nattier học ở Harvard University về lịch sử ngôn ngữ.

[20] Cá nhân tôi vẫn nghĩ bài viết của Nattier thoát thai từ một bài thao tác thời đi học. Loại bài như thế này thường có nhiều chi tiết ngôn ngữ (đặc biệt là ngày nay lại có computer trợ giúp) rất dễ làm lòa mắt những người không ở trong nghể ngôn ngữ tỷ giảo, loại bài này thường không có nội dung sâu, nên chỉ là các bài tập (exercise) chứ không phải ở trình độ nghiên cứu hay luận án.

[21] Nattier dẫn xuất xứ của chuyện này lấy trong Arthur Waley, The Real Tripitaka and Other Pieces, London: Allen & Unwin, 1952, tr. 53

[22] Nattier, sđd, tr. 182

[23] Xem Vũ Thế Ngọc: Kinh Phật: Nguồn Gốc và Phát Triển, xuất bản tháng 7, 2020

[24] Phần lớn các chú thích về nội dung kinh luận Nattier đều dựa trên các nghiên cứu của người khác.

[25] Đây là chú thích của Fukui, xem đoạn dưới.

[26] Trí Thăng, Khai Nguyên Thích Giáo Lục, (開元澤教彔) Đại Chính Tân Tu T.55. no.2154

[27] “Triếp Cảm Tiến Kim Tự Bát Nhã Tâm Kinh” 輒敢進金字般若心涇, T.50, trang 272

[28] Đây cũng là chứng bệnh chung của người nghiên cứu thiếu bản lãnh, khi họ không đồng ý với tài liệu nào đó, thì lập tức từ chối với chỉ vì một lý do nào đó (thí dụ như tài liệu “viết sau khi tác giả đã chết”). Nhưng điều hoang đường là trước đó và sau đó họ vẫn tục dẫn chứng cùng tài liệu để chứng minh những điều thuận thảo với lập trường của họ,

[29] Tục Tạng Kinh 續藏經 [Tokyo 1915] Ấn bản Đài Loan 1994. Tập 41

[30] McRae, John. bđd (1988): 87-115

[31] “The heart Sutra is indeed – in every sense of the word – a Chinese Text” Nattier , bđd, tr. 199

[32] Tanahashi, The Heart Sutra, sđd, tr. 205-6

[33] Xem thêm một số chi tiết về bài phê bình của Fukui (bằng Nhật ngữ) hoặc có thể đọc trích dẫn trong The Heart Sutra của Kazuaki Tanahashi, nxb Shambhala 2016 (đặc biệt là chương 12 và 13)

[34] Fukui sđd tr. 549

[35] Xin nhắc lại trong Chương này tôi thường dùng chữ Tâm Kinh để chỉ bản Tâm Kinh chữ Hán (T251) của Huyền Trang và hridaya /hṛdaya để chỉ bản Tâm Kinh bằng chữ Sanskrit và Đại Bát Nhã để chỉ Ma Ha Bát Nhã ba la mật đa kinh (pañcaviṃśathisāhasrikā prajñā pāramitā)

[36] Fukui. Sđd, tr. 461

[37] Fukui, sđd, tr. 562. Chi tiết về Huyền Trang “phụng chiếu dịch Tâm Kinh” và danh sách các văn thần của vua Thái Tông và Cao Tông viết về bản Tâm Kinh T251 thì có rất nhiều trong sử Trung Hoa.

[38] “…This being so, we can say that the Hṛidaya is a later productin, and that there is an admixture of foreign elements… By this I mean the Prajñāpāramitā’s being identified with the Mantram which forms the conclusion of Avokitesvara’s discourse on Sunyata.” Suzuki, ibid, tr. 227

[39] Xem một trang bản Gilgit 250,000 kệ (pañcaviṃśathisāhasrikā prajñā pāramitā) – do Gregory Schopen và Paul Harrison chuyển tự (transcription) có trong sách của Kazuaki Tanahashi, The Heart Sutra (sđd) trang 205-206

[40] Nattier không biết rằng cho đến thế kỷ IX thì Mật tông còn mang Tâm Kinh vào chính kinh điển của họ.

[41] Phòng Sơn Thạch Kinh từng được giới thiệu trong: Li, Jung-shi (1979). “The Stone Scriptures of Fang-shan” The Eastern Buddhist. Vol.12, No.1, pp 104-113. Gjertson, Donald E. (1989) Miraculous Retribution: A Study and Translation of T’ang Lin’s Ming-pao chi. Berkeley Buddhist Studies Series; Centers for South and Southeast Asia Studies; University of California at Berkeley. Lancaster, Lewis R. (1989). ‘The Rock Cut Canon in China: Findings at Fang-shan,’ in The Buddhist Heritage, edited by Tadeusz Skorupski [Buddhica Britannica 1]. 143-156. The Institute for Buddhist Studies.

[42] Gao you (2016-09-27). “Fáng shān shí jīng (xīn jīng) kān kè yán jiū chéng guǒ fā bù bèi rèn wéi shì xiàn cún zuì zǎo bǎn běn , wéi xuán zàng suǒ yì” 房山石经 (心经) 刊刻研究成果发布被认为是现存最早版本,为玄奘所译 . 国家文物局 

[43] Trong những năm gần đây, trong không khí rộn ràng “dĩ nghi truyền nghi” đã có không ít các bài báo lẫn bài thuyết pháp về “kinh Phật nguyên thủy” hoặc “kinh Đại thừa là do người Hoa sáng chế”. Thật ra đại đa số các bài “thuyết pháp” hay “nghiên cứu” như thế hoàn toàn không có giá trị căn bản Phật học lẫn sử học tối thiểu để mọi người cần tranh luận- Xin đọc sách mới của tôi Kinh Phật: Nguồn Gốc và Phát Triển (2020)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

One thought on “Bát Nhã Tâm Kinh là kinh giả do người Hoa sáng tác?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *