Bài HOÀNG MAI ĐẠT
“Kính lạy thập phương chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng. Đệ tử chúng con hôm nay hội đủ duyên lành quy tụ về đạo tràng này cùng nhau ôn lời Phật dạy.
“Ngưỡng mong chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư vị Thiên Long Hộ Pháp từ bi gia hộ cho chúng con trong khi nói pháp thoại không sai Thánh ý, không lầm nhân quả, để người nói lẫn người nghe đều được lợi ích hầu đạt đến sự giải thoát viên mãn.
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”
Thầy tôi thường mở đầu một bài pháp với lời kính nguyện trên.
*
Vào khoảng cuối năm 2017, Thầy bất ngờ quyết định ghé thăm và ngủ lại nhà chúng tôi một đêm qua một cú phone báo trước chỉ một ngày.
Thầy không có chùa, hôm nay giảng ở nơi này, ngày mai ở nơi khác, có khi trong cùng tiểu bang, cũng có khi bay từ bờ Tây qua bờ Đông của nước Mỹ. Tùy duyên, nơi nào liên lạc và sắp xếp được thì Thầy đến. Đối với một người trẻ tuổi thì chuyện du hành đó đây chắc hẳn là không khó, vui thú nữa là đằng khác vì được thỏa chí tang bồng. Riêng đối với Thầy, chuyện đêm nay ngủ trong tăng xá của một mái chùa lâu năm ở miền Tây, đêm mai nghỉ tạm dưới basement của một ngôi chùa đơn sơ mới lập nơi bờ Đông, thậm chí có đêm ngủ trên tấm nệm trải nơi garage lạnh lẽo, là điều không dễ cho tấm thân của một phụ nữ đã quá tuổi 60 từ lâu. Nhưng Thầy vẫn an nhiên chấp nhận. Vì đó là hạnh nguyện của người.
Lần thăm bất chợt cuối năm ấy, khác với những khi ghé căn nhà ở gần khu phố Bolsa của chúng tôi, nơi Thầy thường chia sẻ những bài thơ Thầy sáng tác, hay kể những câu chuyện văn chương lồng trong ý đạo với hai đệ tử, Thầy cùng đến với một người nữa, một thân nhân từ Việt Nam mới qua hội ngộ với Thầy. Thầy nói chị ấy sẽ cùng tháp tùng du hành đây đó trên nước Mỹ với Thầy, và vì có những sự thay đổi chương trình vào giờ chót như thế nên Thầy không muốn bay thẳng từ San Jose qua Phoenix mà chấp nhận ngồi xe đò từ Bắc Cali xuống Nam Cali và sau đó qua Arizona cũng bằng xe đò cho đỡ tốn kém.
“Mua thêm một cái vé đột xuất mắc tiền quá, mà Cô thì cần tiết kiệm tiền để giúp cho người nghèo, cho dù Phật tử sẵn sàng đài thọ cho Cô hết thảy,” Thầy giải thích như vậy.
Quay sang vợ tôi, mà cũng là đệ tử của Thầy, Thầy bảo, “Con muốn đi chung với Cô một chuyến cho biết thì xin phép Đạt đi, Cô bao tiền xe đò cho.”
Thầy nói với nụ cười hiền từ của một người mẹ chiều lòng con, hay của một người chị vừa nhín chút tiền để mua cho hai đứa em một gói xôi, một chén chè, khi thấy chúng tôi lộ vẻ vui mừng, nhìn nhau như hai đứa trẻ thơ ngây. Thầy ở độ tuổi chị của chúng tôi, nếu tính theo tuổi đời, còn nghiệm theo tuổi tâm linh, Thầy là một người cha, một người mẹ, một bậc thầy từ muôn kiếp trước.
Thế nên câu chuyện tôi sắp kể cho bạn nghe sau đây là hồi ức theo kinh nghiệm tâm linh, không cách nào khác. Như thuật lại một giấc mơ sau một đêm chiêm bao đầy mộng đẹp, có những điều tôi biết là có thật, đã xảy ra thật, rồi cũng có những điều rất mơ hồ, mông lung, khó có thể nắm bắt bằng cách nhìn của đời thường, cũng không thể diễn giải bằng lời nói, hay câu viết. Nhưng tôi tin bạn sẽ hiểu, sẽ cảm nhận được những điều tôi muốn nói.
Tôi nhớ lúc đó là khoảng cuối năm, vì phòng khách còn trưng cây Nô En mừng lễ như bao mùa Giáng Sinh khác. Mặc dù các con đã lớn khôn, đã tung cánh bay xa, vào mỗi mùa lễ cuối năm vợ chồng chúng tôi vẫn khệ nệ khiêng ra cây thông nhựa từ trong một thùng giấy quen thuộc, bụi bặm, dựng lên đặt sát bên cửa sổ phòng khách, treo mấy món trang trí biểu tượng cho mùa đông ở xứ Bắc Âu, đặt vài món quà tượng trưng ở dưới gốc cây có lớp tuyết giả, giăng thêm dây đèn vòng quanh cây chờ đến giờ đèn bật sáng vào những buổi chiều đông. Đó là làm theo một thói quen như thể để qua đó được nắm lấy đôi chút hạnh phúc còn sót lại từ mấy mươi năm nuôi nấng các con.
Chiều hôm ấy, trong phòng khách chúng tôi, người bà con của Thầy ngồi say sưa ngắm nghía cây thông nhựa có treo lơ lửng nhiều món trang trí nho nhỏ, lấp lánh, dễ thương như những món quà tí hon từ một thế giới thần tiên nào đó trong truyện cổ tích. Bất giác chị đưa tay sờ lá thông và buột miệng, “Đẹp quá, cây giả hay thiệt vậy anh chị?”
Nghe vậy tôi cũng chỉ biết đáp lại bằng một cái “Dạ”nhỏ vừa đủ nghe, biết rằng Thầy là một nhà tu đã ly gia cắt ái từ thuở thiếu thời, không sống gần gia đình quyến thuộc, không có được cái ấm cúng của một gia đình truyền thống. Rồi còn một điều nữa mà tôi không dám nói ra, chỉ nghĩ tới trong đầu và giữ nó ở đó thêm vài giây lâu hơn, để hưởng một khoảng khắc hạnh phúc được chia sẻ trong cùng một không gian với Thầy. Vị tăng ngồi đó, đang ngước mặt ngắm xem cây Nô En với ánh mắt vừa tìm tòi, suy ngẫm, vừa vui vui như đang phát hiện ra điều gì, đã xuất hiện trong ngôi nhà chúng tôi như một vị thánh giáng trần, một vị Bồ Tát đến với hạnh nguyện đem Phật pháp xoa dịu những đau khổ nhân sinh.
Giờ đây hồi tưởng lại, mọi việc như vừa mới xảy ra hôm qua. Chiếc vali đã xuất hiện và ở lại ngôi nhà chúng tôi trong lần ghé thăm kỳ diệu đó, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Thầy ngủ qua đêm ở nhà chúng tôi.
Đó là một cái vali bình thường, được cột thêm một rẻo vải nhỏ màu vàng ở quai cầm. Trong những cuộc du hành khắp nước Mỹ để hoằng pháp ở những ngôi chùa ni bất kể đường xa dịu vợi hay quê mùa hẻo lánh, hành lý của Thầy luôn được kéo theo với mảnh vải vàng làm dấu để dễ nhận ra giữa khối vali, thùng giấy hỗn tạp ở phi trường cũng như trạm xe buýt, theo lời Thầy giải thích.
Giữa hai vợ chồng thì tôi là người đầu tiên tiếp xúc với Thầy, mặc dù vợ tôi là người cùng quê Biên Hòa, học cùng trường Ngô Quyền với Thầy – điều này về sau chúng tôi mới biết. Đến đây cũng xin nói Thầy tôi là Sư Cô Như Thủy mà chúng tôi thường quen miệng gọi một cách thân thương, là Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Hạnh hay Thích Nữ Như Thủy thì chính xác hơn, đối với đại chúng, cũng với lòng thương kính.
Thầy xuất gia từ năm 15 tuổi, trải qua những năm tu hành rất khó khăn sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. Trong giai đoạn đen tối ấy, Thầy vừa làm ruộng tay lấm chân bùn, vừa bồi đắp thêm kiến thức kinh điển vừa truyền dạy giáo lý cho biết bao thế hệ ni chúng đàn em. Rồi Thầy ngã bệnh. khi chống chỏi thập tử nhất sanh với chứng ung thư tưởng sẽ không qua khỏi, Thầy khấn nguyện nếu còn đủ phước duyên sống sót thì xin được dùng trọn cuộc đời còn lại tận hiến cho đạo pháp. Như có phép mầu, những chuyện may mắn đã diễn ra làm thay đổi hoàn cảnh tưởng đã bế tắc của Thầy, và Thầy hồi phục sức khỏe, sống thêm vài mươi năm. Ước nguyện hy sinh tấm thân để đi hoằng pháp độ sanh và nhất là góp tay giáo dưỡng ni chúng đàn em vốn rất thiệt thòi so với tăng chúng, đã được Thầy thực hiện trong khoảng thời gian đó, dù phải trải qua nhiều thử thách, chướng ngại về mặt xã hội cũng như về thể lực.
Vì không thể hoằng pháp ở Vĩnh Long dưới chế độ mới, đến khi được phép và có đủ điều kiện dù giới hạn, Thầy bắt đầu có những chuyến đi hoằng pháp ở hải ngoại. Nhờ vậy chúng tôi được dịp nghe Thầy giảng ngay tại vùng tôi đang ở vào năm 2008 qua sự sắp xếp của Hội Phật Học Đuốc Tuệ. Vào khoảng thời gian đó tôi đang bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về đạo pháp, ngoài những cuốn sách kinh điển cho người học Phật như Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Đức Phật và Phật Pháp, những truyện phóng tác rất hấp dẫn như Hành Trình Về Phương Đông, rồi đến những băng giảng của nhiều vị cao tăng, như Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Thiền Sư Nhất Hạnh, Sư Bà Hải Triều Âm, Thượng Tọa Thích Trí Siêu, vân vân.
Trong buổi pháp thoại ở Quận Cam năm đó, diễn ra chừng ba tiếng trong một hội trường được thuê của trường Sarah McGarvin High vào một trưa Chủ Nhật của tháng Tư ngay trong khu Little Saigon, trước khi đi vào đề tài chính là Tri và Hành, Sư Cô Như Thủy đã chia sẻ với thính chúng những mẩu chuyện gian khổ của một người tu sau năm 1975.
Thầy đã mở đầu buổi giảng với lời kính nguyện:
“Kính lạy thập phương chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng. Đệ tử chúng con hôm nay hội đủ duyên lành quy tụ về đạo tràng này cùng nhau ôn lời Phật dạy.
“Ngưỡng mong chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư vị Thiên Long Hộ Pháp từ bi gia hộ cho chúng con trong khi nói pháp thoại không sai Thánh ý, không lầm nhân quả, để người nói lẫn người nghe đều được lợi ích hầu đạt đến sự giải thoát viên mãn.
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”
Sau này tôi được biết Thầy từng là thủ khoa Phật Học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh và đã có lúc muốn từ bỏ đời tu hành để chọn một sự nghiệp khác, như bác sĩ, giáo sư chẳng hạn, để có thể đóng góp cho xã hội một cách cụ thể hữu hiệu hơn như các bạn đồng trang lứa. Nhưng may sao cho các chúng sanh như tôi đây, Thầy chọn đi tiếp trên con đường tu hành, dẫu có lúc, sau năm 1975, đó là con đường đầy nghiệt ngã chông gai, phải lao động khổ nhọc giữa đồng không khác gì một bác nông dân chưa hề làm quen với chữ nghĩa, văn chương.
Cảm phục trước một tấm gương tu hành mà mình có dịp được nghe tận tai, được thấy tận mắt hai bàn tay thô sần của một vị sư có tài thuyết giảng bằng ngôn ngữ có lúc thanh cao của một học giả uyên thâm Phật pháp, có lúc bình dân dễ hiểu của một người hàng xóm trong phố lao động, nhưng lúc nào cũng sinh động, trôi chảy như pháp danh “Như Thủy” của Thầy, vào đầu tháng Năm sau buổi giảng đó tôi đã nghĩ đến Thầy và mong có dịp tiếp xúc để được học hỏi thêm. Bên cạnh đó tôi cũng thấy mình cần viết một bài về đạo để góp phần làm phong phú hơn cho một tờ báo vốn nặng chuyện chính trị mà tôi đang làm việc là Nhật Báo Người Việt, cho nên tôi tìm đến Sư Cô Như Thủy.
Một cú điện thoại, đôi lời xã giao giữa hai người chưa hề quen biết ở thế gian này, mà hình như đã có thâm tình của thầy trò từ muôn kiếp trước. Nay tôi thấy vậy khi nhớ về những kỷ niệm không nhiều mà tôi đã có được với Thầy, qua câu chuyện chiếc vali Thầy để lại ở nhà chúng tôi.
Trước khi gọi Thầy, tôi tìm ra số phone tay của người bằng cách liên lạc với Hội Phật Học Đuốc Tuệ, rồi từ Hội tôi được cho số của anh Huỳnh Sơn lúc đó còn là một cư sĩ. Hội nói nhà của vợ chồng anh chị ấy là nơi Thầy thường đến ở tạm mỗi khi ghé Quận Cam. Không hiểu sao, anh đã mau chóng cho tôi số của Thầy, không chút do dự. Kể cũng lạ, vì trong đời làm báo của tôi, việc bị từ chối nói chuyện, từ chối cho số điện thoại, là điều rất thường tình. Lúc ấy Thầy đang trú trong một ngôi chùa nào đó tại tiểu bang Massachusetts. Thế là tôi đã có dịp thưa chuyện với Thầy ngay từ tòa soạn.
Nghe ý định có người muốn viết bài về mình, Thầy không tán thành chút nào, nói rằng Thầy không xứng đáng vì còn biết bao nhiêu người khác đang hoằng pháp, đang làm từ thiện đáng được người đời biết tới hơn. Tôi nói là tôi thán phục cách sống của một người tu như Thầy, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh mọi hạnh phúc của đời thường cho bản thân mình, để âm thầm cống hiến khả năng và mang kiến thức Phật pháp đến với các chúng sanh đang khổ đau. Tôi chỉ mong bài viết của mình sẽ giúp một ai đó nếm được chút đạo vị như tôi đã từng hưởng được từ một buổi pháp thoại của Thầy.
Cuối cùng Thầy cũng đồng ý cho tôi viết bài, với điều kiện không đăng hình, không nhắc tới chính trị vì Thầy còn phải về Việt Nam, nơi mà Thầy thường xuyên bị chính quyền gây khó dễ, bị cấm thuyết pháp và còn có thể bị tước ân huệ được ra nước ngoài. Rồi bất ngờ, Thầy cho biết là Thầy sắp phải quay lại Quận Cam để trở về Việt Nam sớm trước hai tháng, vì cha của Thầy đang bị bệnh nặng ở Vĩnh Long, và hy vọng được gặp tôi trước khi rời nước Mỹ.
Nghe vậy, tôi vừa cảm thấy nôn nao, vừa ngần ngại vì tự biết mình chỉ là một kẻ viết báo sống qua ngày, một kẻ tầm thường ở chốn Bolsa này, mà Thầy lại là một vị cao tăng ẩn mình trong lớp áo lam âm thầm độ sanh giữa chốn Ta Bà, làm sao tôi có đủ phước báu để tiếp nhận được một “đại nhân duyên” như thế?
Thế rồi bài báo tôi viết về Sư Cô Như Thủy đã được đăng trang trọng trên báo Người Việt giữa tháng Năm với cái tựa rất ư là… giật gân giật cốt: “Chuyện đời tu của một sư cô: Dịch kinh trong bóng tối, làm ruộng bị đỉa hút máu.”
Vài ngày sau, tôi bất thình lình được anh Sơn gọi báo tin Thầy đang ở nhà anh và sẽ có một buổi nói chuyện thân mật với các đạo hữu ngay chiều hôm ấy, trước khi Thầy lên đường về Việt Nam vào sáng hôm sau. Bữa ấy tôi làm việc khá căng, đến gần 9 giờ tối mới thoát khỏi tòa soạn. Tìm đến được nhà anh Sơn thì buổi pháp thoại của Thầy đã đến hồi kết thúc. Tôi chỉ có thể đứng ở cửa dự thính vì phòng khách nhỏ, không thể chứa hơn 10 người.
Mặc dù chẳng nghe được chút nào về bài giảng, tôi cũng nán đợi cho đến khi mọi người về hết để ở lại thưa chuyện làm quen với Thầy. Điều kỳ lạ là vừa thấy tôi chắp tay xá chào, nghe tôi tự giới thiệu thì Thầy liền nở nụ cười, bước tới ôm tôi với vòng tay rộng mở. Tuy là cái ôm xã giao nhưng chuyện ôm chào giữa hai người khác phái không thường có trong văn hóa Việt Nam, lại càng hiếm hơn khi Thầy là một vị tăng mà tôi chỉ là kẻ phàm phu. Buông tôi ra, Thầy mỉm cười và nói nhỏ như muốn xóa tan sự e dè lúng túng của tôi, “Ở Mỹ người ta tiếp nhau như vậy phải không?” Giọng Thầy bình thường và nghe rất thân quen. Thầy trò thăm hỏi nhau thêm vài phút rồi tôi phải kiếu từ vì gia chủ cần đi ngủ để hôm sau đi làm.
Về nhà, tôi kể lại mấy chi tiết về buổi gặp gỡ đầu tiên ấy cho vợ nghe, nàng thốt lên, “Chắc Cô và anh đã là thầy trò từ kiếp trước.” Mà cũng có thể đúng như vậy. Nếu không thì không thể giải thích vì sao tôi đã quý mến Cô, cảm nhận có một sự thân thiết ngay từ lúc nghe Cô giảng pháp lần đầu.
Một duyên lành nữa cũng đã xảy đến cho tôi như một phép mầu. Việc đó xảy ra đúng vào lúc tôi đang chán ngán trong việc “thi hành nghĩa vụ làm rể” cho đại gia đình trung học Ngô Quyền của vợ tôi, nghĩa là lẽo đẽo theo nàng dự họp mặt hàng năm của trường cũ nàng. Đang ngồi lừng khừng tiếp chuyện với mấy chàng “con rể” khác trong khi mấy nàng “con ruột” thì tíu tít thăm hỏi nhau, bỗng dưng tôi nhận ra dáng Thầy với màu áo lam đơn sơ bình dị giữa bao sắc màu hào nhoáng chung quanh. Thì ra Thầy cũng là một cựu học sinh thuộc hàng đàn chị của vợ tôi và vì nể tình bạn bè quen biết cũ, lần đầu tiên trong tháng ngày xuất dương hoằng pháp, Thầy đến dự một buổi họp mặt có tính cách thế tục như vậy.
Lẽ dĩ nhiên vợ chồng chúng tôi không bỏ lỡ dịp may ngàn vàng để đến chào người. Có thể nói đó là một cơ duyên vô cùng quý báu khởi đầu cho tình thầy trò giữa chúng tôi. Từ ngày đó trở đi, mỗi khi có dịp ghé Nam California, chỉ một hoặc hai lần mỗi năm, Thầy luôn email cho chúng tôi – hay gọi vợ tôi thì đúng hơn – để báo tin Thầy sẽ giảng ở một ngôi chùa nào đó, hoặc đang ngụ ở nhà ai đó để chúng tôi có thể đến thăm. Thầy và vợ tôi ngày càng siết chặt mối thâm tình, nhất là sau khi nàng chính thức trở thành đệ tử của người. Họ có trình độ khá về văn chương; kiến thức về Phật pháp của vợ cũng sâu hơn tôi. Vợ tôi quý trọng, tôn kính Thầy đã đành mà Thầy cũng thương mến cái chân thành lẫn rụt rè của nàng.
Ngày Thầy quy y cho vợ tôi cũng là một kỷ niệm khó quên trong tôi. Một lần trong buổi hàn huyên nọ, nghe vợ tôi mong được quy y với người để chính thức thọ ngũ giới vì hồi còn bé nàng chỉ được ban cho pháp danh mà chưa hiểu gì, Thầy từ bi nhận lời và bảo sẽ đến tận nhà chúng tôi để làm lễ. Theo hẹn, sáng hôm đó vợ tôi lái xe đón Thầy từ nơi người tạm trú để về làm lễ quy y cho nàng. Hôm ấy tuy tôi có mặt ở nhà nhưng bận làm việc dưới garage chứa xe, phải cong lưng chạy đua với kim đồng hồ để dịch tin cho đài truyền hình Little Saigon TV lúc bấy giờ. Lễ quy y chỉ có hai thầy trò nhưng đầy đủ nghi thức và ý nghĩa diễn ra trước bàn thờ Phật đơn sơ của gia đình chúng tôi. Rồi Thầy giảng một bài pháp cho trò nghe. Lúc Thầy sắp rời nhà thì tôi cũng vừa tạm xong phần đầu của công việc nên chạy lên chào Thầy và được nghe Thầy nói đùa, “Nhà có phòng khách, phòng ngủ, có lầu, vậy mà con phải làm việc kiếm cơm ở dưới garage. Hình như đời sống ở xứ Mỹ này đại thể cũng là như vậy, phải không Đạt. Sung túc mà vất vả.”
Tôi nhớ hoài câu nói đó, không phải vì tủi thân, mà vì một điều khác nữa, tôi sẽ kể tiếp ở đoạn sau.
*
Trong không khí chan hòa niềm cảm thông từ ái, mỗi người chúng tôi ngồi yên như để thưởng thức một điều gì không thể diễn tả bằng lời. Đã gần một thập niên trôi qua từ ngày thầy trò hội ngộ tại nhà anh Sơn. Và đêm nay Thầy sẽ ngụ tại căn nhà của chúng tôi, trong căn phòng mà từ lâu chúng tôi đã chuẩn bị để đón người.
Có dịp gần gũi với nếp sinh hoạt của Thầy vợ chồng tôi mới biết không phải dễ để được đón tiếp Thầy lưu ngụ. Ban đầu chúng tôi cứ suy nghĩ một cách thiển cận rằng “chắc phải là đại gia mới mời được Thầy.” Thiệt là trật lất. Thì ra những chọn lựa nơi lưu trú của Thầy cũng giống như hạnh nguyện độ sanh của người: không kể giàu nghèo, nơi nào cần sự có mặt của Thầy nhất thì Thầy tới ở, dù nơi đó khó khăn, thiếu tiện nghi, hoặc có khi nguy hiểm cho chính bản thân mình. Khi thì Thầy về ngụ với một bác Phật tử đơn chiếc sống với người con trai bị bệnh tâm thần trong một khu chung cư chật chội. Khi thì tới với một chị Phật tử đang trải qua một giai đoạn khó khăn vì người bạn đời vừa rời vợ con để dứt khoát xuất gia.
Bởi thế nói làm sao hết được niềm vui của tôi đêm đó, và cả những ngày sau nữa. Thầy nói qua Mỹ lần này có lẽ Thầy sẽ tính chuyện ở lại, và khi nào gối mỏi lưng còng thì Thầy sẽ về đây và “xí phần” một gian phòng khác trong nhà chúng tôi, loại “phòng cho share có lối đi riêng” và hiện đang có người thuê. Cũng vì mẩu đối thoại đó mà buổi sáng hôm sau, khi tiễn Thầy rời nhà tôi đi Phoenix giảng pháp tại chùa Như Lai, tôi vui mừng khấp khởi bưng cái vali mà Thầy gửi lại đem cất vào phòng guest room để chờ ngày Thầy trở lại.
Đó là một chiếc vali màu đen bình thường như bao vali khác như tôi đã tả ở đoạn trước, chỉ khác chăng là cái rẻo vải màu vàng buộc ở quai cầm và những hệ lụy có lẽ đã nảy sinh từ những vọng tưởng trong tôi. Thầy nhờ chúng tôi giữ dùm vì Thầy sẽ quay lại không lâu, vả lại trong đó toàn là quần áo Phật tử may tặng cho Thầy mà rộng quá, bây giờ Thầy đã gầy đi, không mặc vừa nữa.
Buổi sáng đó cũng là những phút giây vô cùng êm ả giữa thầy trò chúng tôi. Từ 5 giờ sáng thầy đã thức dậy, phụ giúp vợ chồng chúng tôi bày biện để làm lễ an vị Phật, dời bàn thờ Phật ở chỗ cũ tới một gian phòng vừa được tân trang sạch sẽ sáng sủa mà Thầy dạy rất tốt cho việc thờ phượng. Gian phòng này chính là cái góc garage chật tối mà nhiều năm về trước Thầy đã quan ngại khi nghe tôi làm việc ở trong đó.
Vì vợ tôi sẽ rời nhà để cùng đi Phoenix, nên Thầy quyết định làm lễ an vị Phật thật sớm, trước khi mọi người lên đường. Giọng xướng lễ của Thầy tuy mỏng, yếu nhưng trang trọng, uy nghiêm đầy đạo lực vang vang trong căn phòng mới. Ba người chúng tôi tụng theo. Gian garage từ nay đã biến thành một chánh điện đầy trang nghiêm thanh tịnh với dấu ấn sâu đậm còn in lại từ Thầy, một vị nữ du tăng thực sự không có chùa.
Sau lễ an vị, ngồi thoải mái bình dị trong phòng bếp, Thầy vừa cười đùa vui vẻ với chúng tôi, vừa ăn sáng. Bữa ăn đơn sơ với bắp dẻo Thái Lan và bánh croissant do chính tay tôi nấu (lại) và nướng (lại). Lần đầu tiên Thầy “chịu” ăn ở nhà tôi, dù chỉ ăn nhẹ, còn niềm vui nào hơn cho tôi. Sau này ngẫm nghĩ lại, những gì đã xảy ra hầu hết đều là “lần đầu tiên” mà cũng là lần cuối cùng. Vậy mà ngay lúc đó, tôi không có chút linh cảm nào, chỉ biết mơ mộng vẽ vời những hình ảnh tương lai tuyệt diệu nhất mà nhà Phật gọi là vọng tưởng.
Trong lúc vợ tôi lăng xăng chuẩn bị cho buổi du hành với sư phụ lần đầu tiên trong đời, Thầy ung dung kéo hành lý ra khỏi nhà và đứng quan sát mảnh sân phía trước. Chỉ tay vào một cây trồng ở góc sân ngay đầu lối vào nhà, Thầy giải thích, “Ở Việt Nam người ta gọi cây này là huyết dụ, trồng ở chỗ này tốt lắm, ngăn trừ ma vương. Đôi khi tụi con cũng cần biết thêm vài điều hỗ trợ cho đường tu để tu hành được tinh tấn.”
Tôi hỏi cho có hỏi vậy thôi, “Làm sao Thầy biết nó là cây huyết dụ?”
“Nè, có những lằn sắc đỏ đây nè,” Thầy chỉ cho tôi xem hai lằn đỏ chạy hai bên rìa của lá.
Tôi lại hỏi, “Vậy làm sao biết mình tu có tinh tấn hay không?”
“Khi con không còn thấy phiền não, không còn dính mắc thì là có tinh tấn,” Thầy nói, mắt vẫn nhìn cây huyết dụ cao chưa tới một thước và đang có ba mầm xanh mới nhú lên.
Đưa mọi người ra bến xe xong, tôi trở về nhà, trông thấy cây – mà từ nay tôi được biết tên là cây huyết dụ – tôi chợt thấy vui vui trong lòng với ý tưởng là mai kia, khi Thầy cảm thấy đến lúc cần ngừng nghỉ, không thể rày đây mai đó như một du tăng thêm nữa, thì chắc chắn Thầy sẽ về sống với chúng tôi, cho chúng tôi có cơ hội được phụng dưỡng và học đạo.
Bước vào nhà, thấy chiếc vali căng phồng có thắt rẻo vải vàng dựng trong căn phòng mà Thầy đã ngủ qua đêm, tôi càng tin rằng chiếc vali là biểu tượng cho sự có mặt của một vị tăng trong nhà của mình, trong cuộc đời của chúng tôi.
Vài ngày sau tôi đến bãi đậu xe đón vợ về, thích thú nghe vợ thuật lại những mẩu chuyện vui vui trong chuyến theo chân sư phụ du hành hoằng hóa. Từ Westminster tới Phoenix, một đoạn đường quá ngắn so với con đường thiên lý mà Thầy hằng dong ruổi mười mấy năm qua. Vợ tôi trở về nhà, còn Thầy thì mai đây tung cánh bay tới miền Đông nước Mỹ như hạnh nguyện giảng dạy cho chư ni khắp nơi trên thế giới. Chỉ trong vài ngày nhưng có rất nhiều chuyện để kể, chuyện nào cũng bàng bạc một điều mà lúc đó tôi và cả nàng đều không nhận ra: dường như Thầy muốn nhân cơ hội đầu tiên và cuối cùng này để bày tỏ tất cả niềm thương mến sâu xa, sự săn sóc chu đáo, việc dạy bảo chi ly dành cho người đệ tử thân yêu của mình. Có dịp gần Thầy, vợ tôi mới biết người không chủ trương thâu nhận nhiều đệ tử nhưng ai đã có duyên tôn người làm Thầy đều được người hết lòng chăm lo, thương mến.
Vợ tôi huyên thuyên kể cho tôi nghe, “Cô hy sinh, không ngụ trong căn phòng dành cho chư khách tăng mà ở chung với các đệ tử trong một gian phòng không mấy tiện nghi. Cô cùng ăn, cùng ngủ với đệ tử. Thương Cô ghê.”
Thầy được cúng dường thức ăn nhiều lắm vì đang là pháp hội. Sợ bỏ thức ăn mang tội nên Thầy trò rán ăn mệt nghỉ. Cô nói đùa với nàng, “Con có lộc ăn đó, chớ cũng có khi Cô phải tự nấu mì gói mà ăn; bởi vậy trong ba lô của Cô lúc nào cũng thủ sẵn vài gói mì, một nồi cơm điện nhỏ xíu con thấy không?”
Thật ra, có lẽ Thầy chỉ muốn khôi hài hóa những đức tính cao đẹp của một người tu chân chính: tinh thần tự lực cánh sinh, không muốn làm phiền ai, không bao giờ đòi hỏi một điều gì cho bản thân mình.
Niềm vui của tôi không kéo dài được bao lâu.
Chưa đầy ba tháng sau, tháng Ba năm 2018, tin Thầy mất đến với tôi thật bất ngờ, bất ngờ còn hơn tin Thầy báo sẽ tới ngụ nhà tôi một đêm. Thầy ra đi ở một ngôi chùa ở Massachusetts, hình như cũng là nơi Thầy từng tiếp nhận cuộc gọi của tôi từ California gần mười năm trước. Tôi đã choáng váng, mất thăng bằng như vừa bị giật mất chỗ tựa. Thầy đã ra đi vĩnh viễn, không bao giờ trở lại nơi chúng tôi đã sắp xếp, chuẩn bị cho một dịp được đón Thầy về. Việc duy nhất tôi có thể làm được lúc đó là mang chiếc vali có rẻo vải vàng từ guest room trang trọng và đặt nó vào phòng thờ Phật, coi nó như một Phật cụ thiêng liêng.
Lễ tưởng niệm Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy ở Massachusetts, lễ hỏa táng ở California đã được cử hành long trọng, trang nghiêm trong niềm thương tiếc của hàng ngàn Phật tử, mà nhiều nhất có lẽ là của các vị ni từng được Thầy giáo hóa với tấm lòng thương yêu vô bờ.
Thời gian trôi qua, sự thương nhớ Thầy cũng vơi bớt trong tôi nhờ sự hiểu biết về Phật pháp, nhưng mỗi lần nhìn chiếc vali dưới phòng thờ Phật, tôi vẫn ngậm ngùi thương cho một nhà tu đã hy sinh rất nhiều từ ngày bước vào cửa Phật, tiếc nuối không được học hỏi thêm từ một vị cao tăng đúng lúc tâm tôi đang hướng về con đường giải thoát mãnh liệt nhất, tiếc rẽ không được đi theo Thầy một lần trong một chuyến hoằng pháp, để thấu cảm được sự kham nhẫn từ một tấm thân tuy cận kề lằn ranh sống chết mà vẫn an nhiên mang đạo mầu đến với chúng sanh.
Sau gần một năm từ ngày Thầy mất, một bữa kia vợ tôi bàn nên trao chiếc vali của Thầy cho ai đó là người thân của Thầy, không thể giữ nó hoài ở trong nhà.
Thoạt nghe, phản ứng đầu tiên trong tôi là chống lại. Tôi muốn giữ chiếc vali, xem nó như một món quà thân quen gợi nhắc đến Thầy, một hiện vật chứng minh mối liên hệ giữa chúng tôi với Thầy, mỗi khi tôi xuống phòng thờ Phật và trở về với sự tĩnh lặng quý báu. Trước khi Thầy đến, garage đây là chốn làm việc kiếm cơm của tôi ở đất Mỹ “sung túc mà vất vả” (như lời Thầy nói) này, Thầy đã mang “pháp Phật nhiệm mầu” để dạy cho tôi “hàng ngày an vui tu tập,” biến cái garage Ta Bà này thành cõi an vui. Dường như tôi đã liên kết cái garage-chánh điện, rồi tới cái vali, với Thầy. Nhưng rồi tôi nhận ra chiếc vali thắt mảnh vải vàng kia lại chính là một bài học cuối cùng mà Thầy muốn chúng tôi mau học thuộc lòng. Đó là bài học buông xả, buông bỏ ngay cả những thứ mà mình trân quý nhất trên thế gian này.
Chúng tôi nghĩ đến Chùa Đức Viên ở San Jose, nơi Thầy vẫn thường lưu trú và hướng dẫn khóa tu cho chư ni mỗi năm. Chúng tôi muốn tận tay trao chiếc vali cho quý ni ở chùa đó. Nhưng khổ nỗi, hoàn cảnh riêng của tôi trong việc kiếm sống hiện nay chưa cho phép tôi thực hiện chuyến đi xa để làm việc đó.
Đang phân vân chưa biết tính sao với chiếc vali thì bỗng một chuyện lạ xảy ra.
Từ ngày Thầy mất, vợ tôi thỉnh thoảng kể cho tôi nghe những việc mà nàng cho là “bất khả tư nghì” về sự linh hiển của sư phụ. Tôi nghe rồi quên vì sự việc không trực tiếp liên hệ đến tôi. Nhưng sáng hôm ấy, khi ghé một tiệm bán đậu hũ để mua một món xôi mà đáng lẽ tôi nên mua ở chỗ khác, tôi bỗng gặp Ni Sư viện chủ Chùa Phước Quang một cách thật tình cờ. Sư Như Quang ngoắc tôi lại, nhờ tôi đăng thông báo khóa tu của chùa lên báo Viễn Đông và cho biết thêm chùa sắp có một khóa tu dành cho quý ni vào đầu tháng Tư, nhân dịp giỗ đầu tiên của Ni Trưởng Như Thủy.
Về nhà báo tin cho vợ nghe về khóa tu của chư ni nhân lễ tiểu tường sư phụ ấy, tôi thấy vợ im lặng một phút. Một hồi sau nàng mới nói, “Sư phụ linh quá. Mới đêm qua em cầu nguyện với Cô, xin Cô cho một tín hiệu về cách giải quyết chiếc vali, thì bây giờ lại nghe tin này. Biết nói sao đây?”
Đầu tháng Tư đã tới. Cuối cùng thì vợ chồng chúng tôi cũng làm được một điều đường đột và gan góc cùng mình là canh giờ giấc hành lễ của quý chư ni tại Chùa Phước Quang để kéo chiếc vali vào chánh điện, dồn hết khả năng ăn nói vốn không mấy lưu loát của tôi, để trình bày cho quý ni nghe về lai lịch của nó và xin họ nhận giùm. Bữa đó, ngoài quý ni trú xứ tại Quận Cam và các vùng lân cận, còn quy tụ được một số Ni Sư từ xa về như từ Chùa Đức Viên ở San Jose, California, Chùa Huê Lâm ở Fitchburg, Massachusetts, vân vân. Thế rồi, sau khi nghe tôi trình bày, quý ni đã nhìn nhau và cuối cùng một vị ni trưởng tràng cao hạ nhất đã đứng ra đại diện nhận chiếc vali, và nói rằng các ni đã không ngờ Ni Trưởng Như Thủy đã để lại món quà này cho họ. Tôi trao vali cho các ni, chỉ xin lại miếng vải vàng làm kỷ niệm.
Sau, tôi được biết hôm ấy mỗi ni đã thỉnh một vài món trong vali để giữ làm kỷ niệm về ngày giỗ đầu của Thầy. Phần tôi, rẻo vải vàng đã được tôi cất sau di ảnh của người trên bàn thờ Thầy ở dưới phòng garage, nơi Thầy từng làm lễ an vị Phật cho hai vợ chồng trong một buổi sáng tinh mơ êm đềm như một giấc chiêm bao. Tấm hình thờ Thầy tuy không rõ nét và tươi đẹp như hình ở các chùa, nhưng là bức ảnh chúng tôi có được trong dịp vợ tôi theo Thầy đến Arizona.
Mặc dù không còn thấy chiếc vali mỗi buổi sáng khi niệm Phật, tôi vẫn nhớ lời khuyến tu của Thầy, và không quên lời Phật dạy cho các đệ tử trước khi Ngài nhập Niết Bàn. Đó là hãy xem Phật pháp chính là vị Thầy của mình, khi Phật không còn ở thế gian.
Phật Thích Ca Mâu Ni đã không còn tại thế hơn hai ngàn năm, Thầy của chúng tôi cũng không còn ở thế gian hơn một năm, chiếc vali cũng thế, đã rời chúng tôi từ mấy tháng trước. Nhưng lời khuyến tu “Hãy luôn tinh tấn” của Thầy vẫn ở lại với tôi. Mà muốn được vậy thì không còn cách nào hơn là hiểu rõ lời Phật dạy, sống đúng với Phật pháp, thể hiện một cuộc sống có ý nghĩa đối với tha nhân như Sư Cô Như Thủy đã sống và hành.
*
Mỗi ngày, trước khi bắt đầu làm việc vào buổi sáng, tôi vẫn thầm đọc lời kính nguyện đã học thuộc từ những buổi giảng của Thầy, như tự nhắc nhở mình phải sống một cuộc sống có ý nghĩa với tha nhân:
“Kính lạy thập phương chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng. Đệ tử chúng con hôm nay hội đủ duyên lành quy tụ về đạo tràng này cùng nhau ôn lời Phật dạy.
“Ngưỡng mong chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư vị Thiên Long Hộ Pháp từ bi gia hộ cho chúng con trong khi nói pháp thoại không sai Thánh ý, không lầm nhân quả, để người nói lẫn người nghe đều được lợi ích hầu đạt đến sự giải thoát viên mãn.
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.