Bài HONG TRAN (Facebook)
Qua thăm trang nhà của huynh Binh Anson, thấy hình một tượng Phật Thích Ca, tay đang kiết ấn giáo hóa (giảng pháp). Hình lấy từ nguồn trên trang nhà của bạn Ngô Quốc Trung, chụp từ một ngôi chùa trong nước.
Tượng có một dáng vẻ rất thanh thoát, với nụ cười vừa an nhiên tự tại vừa thấp thoáng nét từ bi, khiến người xem nẩy sanh tâm thương mến rất lạ.
Thường các tượng Phật được khắc họa khuôn mặt có nụ cười “niêm hoa vi tiếu” – nụ cười rất nhẹ; thể hiện trí tuệ của bậc toàn giác, người đã thể nhập vào toàn bộ không – thời gian của bản thể vũ trụ, đã nhìn thấu tâm thức của muôn loài muôn vật.
Tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm thì khác, nét từ bi tỏa rạng. Từ tư thế nghiêng người, lắng tai nghe những đợt sóng sinh tử dồn dập của thế gian; đến nét dịu dàng của hai bàn tay, khẽ nâng bình tịnh thủy, nhẹ rưới những giọt vị tha làm mát dịu tâm thức bất an của chúng sanh vạn vật.
Vậy mà tượng Phật giáo hóa nói trên lại có cả hai nét từ bi và trí tuệ. Thiệt là đặc biệt.
Không biết từ lúc nào, trí tuệ và từ bi dường như được tách biệt nhau.
Từ bi được hình tượng hóa -thành thân người nữ và là tính cách của các vị Bồ Tát, còn trí tuệ tượng trưng cho thể tánh của các vị Phật. (Lạ thiệt nha, Phật toàn là người nam không hà).
Người ta còn cho rằng, nữ giới không thế nào mà thành Phật được (phân biệt giới tánh quá “chời”).
Kinh Pháp Hoa có nói đến một “nhân vật” gây nhiều dị nghị nhất khi cho rằng mình cũng có khả năng thành Phật.
Đó là nàng Long Nữ.
Dị nghị cũng phải thôi vì nàng không chỉ có một mà có đến ba điểm yếu kém: một là nữ, hai là loài vật (dù là rồng đi nữa), ba là còn trong độ tuổi nhi đồng. Sức mấy mà thành Phật được.
Nào ngờ, nàng tiểu Long Nữ thi triển thần thông, chuyển thân nữ thành thân nam trong chớp mắt, trước bao con mắt ngỡ ngàng của cả chúng hội trời người muôn loài. Thiệt là quá sức gay cấn!
Truyện về nàng tiểu Long Nữ rất vui, vì có hai ẩn dụ thú vị.
Ẩn dụ thứ nhất nói về thân phận cuả nàng. Dù là rồng, nàng cũng ở vào hàng loài vật, sao bằng người với trời được?
Thây kệ, nàng nghe Phật nói tất cả chúng sanh đều có tánh Phật (cơ may vượt thoát tử sinh luân hồi đâu phải chỉ dành cho loài người, loài trời thôi đâu). Lỡ không thành Phật được thì bắt thường Phật vậy.
Ủa, truyện rõ ràng ràng sao nói là ẩn dụ?
Phải rồi, đó là tầng trên. Tầng dưới mới thiệt là bí hiểm, sâu xa cách gì.
Ai cũng thấy tính cách quẫy lộn tung trời của rồng, thoắt ẩn thoắt hiện, mới tức thì ở tuốt Long Cung, trong tích tắc vọt thẳng lên trời, đầu ló ra thì đuôi còn dấu trong mây. Đâu phải đám mây điện toán đâu mà kéo ra coi được? (cái này có khi lại là một ẩn dụ ngoại truyện mà người đời sau cách chi hiểu nổi). Thiệt là hổng biết đâu là đâu. Bắt mệt.
Cái tính cách quẫy lộn, vọng động như vậy, nếu không chỉ cho cái tâm bất định – cái vọng tâm của chúng sanh – thì còn chỉ cái chi cho hợp hơn nữa?
Thì ra kinh nói về cái tâm chúng sanh, đâu phải nói long nói phụng gì?
Nói nào ngay, cái vọng tâm ở nàng tiểu Long Nữ đã được đối trị rất nhiều. Nàng thiệt ra đã tu tập quá sức là lâu. Lâu tới đỗi tâm tánh trở thành hồn nhiên như những đứa trẻ chưa từng lem luốc bụi đời.
Chùa Tây Lai (Tsi Lai Temple) ở vùng Los Angeles (Mỹ) của người Đài Loan, có nhiều tượng con nít nhỏ dễ thương. Nhiều thiếu nữ phương xa, ngó thấy mấy tượng nhi đồng ngộ ngộ, tha hồ nhéo tai xoa đầu, đứng ngồi selfie đủ kiểu. Đâu biết là đang vò đầu giựt tóc mấy ông già tám mươi còn ít.
Thành ra, người ta nói tu riết có khả năng cải lão hoàn đồng. Hổng biết có tin được hay không?
Ẩn dụ thứ hai nói về cái phân biệt giới tánh, về cái thân phận nữ giới của nàng.
Thiệt ra, đâu có nam nữ gì ở đây.
Trên con đường tu học theo bước chân Phật, từ bi được coi là điều kiện đầu tiên và cần thiết. Có lòng thương xót nỗi đau của chính mình và cả của mọi người, mọi loài; mới nẩy sanh tâm mong cầu giải thoát.
Tuy vậy, chỉ có lòng từ bi thôi thì không đủ. Từ bi tuy thiệt là hành trang của người mang hạnh bồ tát, những mong có khả năng thực hiện việc cứu khổ ban vui cho mọi loài; nhưng từ bi cũng vẫn là phương tiện đối đãi trong thế giới hữu tình hữu tướng.
Những người thường tụng kinh hàng ngày đều biết công thức “vào đại bi, ra bát nhã.” Trong nghi thức của kinh nhật tụng, ở phần mở đầu, bao giờ cũng là chú đại bi – để trui rèn tâm từ bi; phần cuối, bao giờ cũng là Bát Nhã Tâm Kinh – để khai mở trí tuệ bát nhã.
Như vậy, trí tuệ bát nhã là điều kiện thứ hai và là điều kiện đủ trên con đường tu Phật.
Trí tuệ bát nhã được nhiều người cho là tuệ giác về tánh không, về bản thể của vũ trụ. Chính nó là nguồn gốc dung chứa cả mười phương ba đời chư Phật và cũng bằng ấy số lượng chúng sanh.
Từ cái nguồn căn này – còn được gọi là Phật tánh – mà cả chư Phật và muôn loài vào ra thế giới hiện tướng hiện nay.
Có điều khác là chúng sanh khi đã lưu xuất khỏi nguồn căn này thì muôn đời loanh quanh luẩn quẩn trong sáu đường chúng sanh; rất ít người tìm trở lại được căn nhà đích thực của mình; còn chư Phật, chư Bồ Tát thì ung dung xuất nhập pháp giới, hoàn toàn theo nguyện lực độ sanh của mình.
Khi nhận ra thực sự cuộc sống hiện tướng chỉ là ảnh trong gương, chỉ là cảnh trong mộng; người ta mới nhận ra rằng công đức lớn nhất của sự hy sinh, của lòng bố thí chính là khi tâm hoàn toàn buông xả, không còn động niệm, không còn dính mắc mảy may với trần cảnh nữa.
Lúc đó, sống an nhiên giữa dòng đời như ánh trăng in trên mặt nước: nước chảy mà trăng không trôi, nước nổi sóng mà trăng không chìm, nước dơ bẩn mà trăng không đục.
Đó cũng chính là lúc mà nàng tiểu Long Nữ thi triển thần thông, chuyển thân nữ thành thân nam trong chớp mắt, hóa thành Phật trước bao con mắt ngỡ ngàng của cả hội chúng trời, người và muôn loài chúng sanh. Từ bi và trí tuệ. Phật và chúng sanh. Thiệt là hai trong một. Không hai cũng không một. Không một cũng không hai.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.