Bài VIÊN KHÁNH
Lịch sử truyền bá Phật giáo của hàng Ni giới tại Việt Nam được nhắc tới rất ít trong sách vở được lưu truyền từ thời xưa đến nay, đã vậy, khi đất nước bị người Trung Hoa xâm lăng thì các tài liệu, sách vở của Việt Nam lại bị họ đốt phá hoặc mang về Trung Hoa, khiến cho công việc tìm tòi, nghiên cứu về các vị Ni lại càng khó khăn hơn.
Thế nhưng mặc dù có nhiều tài liệu bị thất truyền như vậy, những kẻ hậu học vẫn còn đủ duyên lành để biết chút ít về Ni Sư Diệu Nhân, là một trong các vị Ni đầu tiên để lại dấu ấn lớn, không chỉ cho hàng ni giới mà còn cho lịch sử Phật Giáo Việt Nam, qua hai tài liệu còn sót lại là bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên được viết xong năm 1479 (theo Wikipedia) vào triều đại nhà Lê (1428-1789), và quan trọng hơn nữa là bộ Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục được viết trước đó vào đời nhà Trần (1225-1400). Hòa Thượng Thích Thanh Từ cũng dựa vào các tài liệu trên để viết bài tóm lược tiểu sử Ni Sư Diệu Nhân trong danh sách các thiền sư Việt Nam mà ngài Hòa Thượng đã biên soạn đăng trên mạng của Thiền Viện Trúc Lâm.
Bộ sách Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, còn được gọi gọn hơn là Thiền Uyển Tập Anh, được viết bằng tiếng Hán ghi lại tiểu sử các thiền sư Việt Nam từ thế kỷ thứ 6 cuối đời nhà Lý đến thế kỷ 13 đầu đời nhà Trần. Thiền Uyển Tập Anh là bộ sách lịch sử Thiền Tông Việt Nam, tuy ghi chép về 87 vị thiền sư, nhưng thực ra có 68 vị được viết thêm phần tiểu sử, trong khi 19 vị thiền sư còn lại chỉ có tên mà thôi. Đó là nhận xét của Hòa Thượng Thích Giác Toàn, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam trong một bài viết nói về Ni Sư Diệu Nhân.
Ni Sư Diệu Nhân là vị Tỳ Kheo Ni duy nhất được nhắc tới trong bộ Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục. Trong một bài nghiên cứu khá dài và công phu được đăng trên Tạp Chí Khoa Học của Trường Đại Sư Phạm tại Sài Gòn đầu năm 2017, học giả Nguyễn Công Lý khẳng định Ni Sư “là một trong 68 vị cao tăng thiền sư ấy. Tấm gương này rất đáng được hậu thế tự hào và ngợi ca.”
Tạp chí Ni Giới Ngày Nay, trong một bài viết đăng năm 2010, cho biết: “Sự kiện này trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã chép, và đây là lần đầu tiên tên tuổi một vị Ni Sư được chính sử ghi lại. Cho nên, ta không có gì phải nghi ngờ, điểm lôi cuốn là trong số các công chúa của triều đại nhà Lý gả cho các Châu Mục ở vùng biên cương phía Bắc, thì công chúa Ngọc Kiều được ghi chép tương đối chi tiết nhất với cả năm mất cùng tuổi thọ và một ít hành trạng, một điều mà các công chúa khác không có.”
Ni Giới Ngày Nay cũng viết thêm một chi tiết đặc biệt: “Gần 20 năm sau khi mất, ảnh hưởng của Ni Sư Diệu Nhân vẫn còn mạnh mẽ không chỉ trong quần chúng, mà còn đối với các tầng lớp lãnh đạo quốc gia. Cho nên, vua Lý Thần Tông mới phong làm Ni Sư.”
Và “Đây là một điểm khá khác lạ so với các công chúa khác, vì họ lúc mất rồi ít khi được nhắc tới. Thế mà Diệu Nhân mất từ năm 1113, đến khi vua Lý Thần Tông lên ngôi lại được truy phong là Ni Sư. Thần Tông lên ngôi vào năm 1128 và việc truy phong này chắc cũng xảy ra sau khi lên ngôi vài ba năm.”
Căn cứ vào Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục và Đại Việt Sử Kí Toàn Thư thì Ni Sư Diệu Nhân (năm sanh 1041, cũng có một số tài liệu ghi là 1042, năm mất 1113) có thế danh là Lý Ngọc Kiều, trưởng nữ của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung, ông là con của vua Lý Thái Tông và là em trai của vua Lý Thánh Tông. Như vậy, công chúa Lý Ngọc Kiều gọi vua Lý Thái Tông là ông nội và gọi vua Lý Thánh Tông là bác ruột.
Sách ghi rằng bà được vua Lý Thánh Tông (1023-1072) nuôi ở trong cung từ nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, vua gả bà cho một quan Châu Mục là Chân Đăng họ Lê. Sau khi người chồng họ Lê mất, bà thề thủ tiết, không tái giá.
Sau cũng chép rằng một hôm bà Ngọc Kiều than phiền, “Ta xem tất cả các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì là những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được hay sao?”
Từ đó, bà dốc hết tư trang, gia sản bố thí cho dân chúng rồi xuống tóc xuất gia, tìm đến xin thọ Bồ Tát Giới với Thiền Sư Chân Không (1046-1100) ở hương Phù Đổng. Ni Sư chăm chú học hỏi những điều tâm yếu, được Thiền Sư Chân Không đặt cho pháp danh là Diệu Nhân và đưa đến trụ trì ở Ni Viện Hương Hải, hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc cũng gọi là Chùa Linh Ứng hiện nay nằm bên cạnh Chùa Kiến Sơ, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.
Ni Sư tu tập, hành thiền được chính định, trở thành bậc mẫu mực trong hàng ni sư thời bấy giờ.
Trở lại tiểu truyện của Ni Sư được chép trong sách Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, đây là nguồn tư liệu duy nhất hiện còn để chúng ta có thể nghiền ngẫm, tìm hiểu về cội nguồn tư tưởng triết lý mà Ni Sư đã chịu ảnh hưởng trong quá trình thiền định tu tập.
Ni Sư Diệu Nhân là đệ tử đắc pháp của Thiền Sư Chân Không, thuộc thế hệ thứ 17 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci (?-594)).
*
Về sự tu hành của Ni Sư Diệu Nhân, Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục viết:
Có người đến cầu học, sư tất dạy cho tập Đại Thừa. Sư nói, ‘Nếu trở về được nguồn tự tính thì đốn ngộ hay tiệm ngộ cũng sẽ tùy đó mà thể nhận.’ Sư thường thích lặng lẽ, tránh thanh sắc ồn ào.
Có đệ tử hỏi, ‘Hết thảy chúng sinh bệnh thì ta cũng bệnh, tại sao lại cứ phải kiêng kỵ thanh sắc?’
Sư dẫn kinh sách đáp:
Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.
Lại hỏi: ‘Ngồi yên là thế nào?’
Đáp: ‘Xưa nay vốn không đi.’
Lại hỏi: ‘Không nói là thế nào?’
Đáp: ‘Đạo vốn không lời’.
Ngày mùng một tháng sáu năm Hội Tường Đại Khánh thứ tư (1113), Ni Sư lâm bệnh, gọi tăng chúng đến, đọc bài kệ rằng:
Sinh lão bệnh tử,
Tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất li,
Giải phọc thiêm triền.
Mê chi cầu Phật,
Hoặc chi cầu thiền.
Thiền Phật bất cầu,
Uổng khẩu vô ngôn.
Nói xong, bèn gội tóc, tắm rửa sạch sẽ, ngồi kiết già mà tịch, thọ 72 tuổi.
*
Dưới đây là phần trích đoạn từ bài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Công Lý, trình bày sâu hơn vào những lời dạy của Ni Sư để lại hậu thế:
Đoạn văn ngữ lục vấn đáp và bài kệ thị tịch của Ni Sư vừa dẫn lại ở trên, có thể thấy kinh văn mà Ni Sư Diệu Nhân đã thấu triệt và chứng đạt là kinh văn hệ Bát Nhã, đặc biệt là kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Tư tưởng mà Ni Sư liễu ngộ là tư tưởng triết lý Tánh Không và Vô Trụ, Nhất Thừa Pháp với tinh thần phá chấp triệt để.
Đây là cốt tủy tinh yếu của kinh Kim Cang mà Đức Thế Tôn đã nêu ra khi giảng thuyết cho ngài Tu Bồ Đề cùng đại chúng nghe trong một buổi trưa nọ tại tịnh xá Kỳ Viên gần thành Vương Xá, khi ngài Tu Bồ Đề tham vấn Đức Thế Tôn về việc làm sao để kiềm tâm, hàng phục tâm. Đây là tư tưởng Đại thừa mà trong quá trình hành trì tu tập, Ni Sư thường truyền dạy cho đệ tử. Ở đây, Ni Sư không phân biệt đốn ngộ hay tiệm ngộ, tức giác ngộ tức thời hay giác ngộ từ từ.
Theo Ni Sư, nếu người nào đó trở về được nguồn tự tính, tức là tự nhận chân được bản thể chân như của mình, thấy được chân diện mục của mình và của các pháp là đã giác ngộ rồi. Theo tư tưởng Đại thừa được thể hiện trong kinh văn hệ Bát Nhã, như kinh Kim Cang hay Bát Nhã Tâm Kinh, kinh Tượng Đầu Tịnh Xá có ghi thì về bản thể, các pháp vốn là không.
Lưu ý là, phạm trù “không” ở đây không phải là không có gì mà là cái không chân thật, tức “chân không,” mà “chân không” cũng chính là “diệu hữu” (cái có tuyệt diệu). Cái “chân không diệu hữu” này nó vượt lên trên “sắc và không,” “hữu và vô” tức “siêu việt hữu vô.” Đây là tinh thần Bất Nhị, hay Nhất Thừa Pháp.
Cũng xin lưu ý thêm, ở Thiền Tông Trung Hoa, từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Huệ Khả, Tăng Xán rồi Đạo Tín thì thường dùng yếu chỉ của Kinh Lăng già để hành trì nhằm hàng phục tâm, an tâm, giúp cho tâm hư tịch lặng lẽ mà kinh văn này đã đề cập. Đến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, bên cạnh tư tưởng Kinh Lăng Già, ngài còn kết hợp với tư tưởng Kinh Kim Cang để khai giáo truyền thừa cho đệ tử. Đến Lục Tổ Huệ Năng thì hầu như ngài chỉ vận dụng tư tưởng của Kinh Kim Cang là chủ yếu khi truyền thừa mạng mạch Phật pháp cho chúng đệ tử.
Ni Sư Diệu Nhân là đệ tử của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci). Mà vị thiền sư này là người Nam Ấn, chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng kinh văn hệ Bát Nhã, trong đó chú trọng Kinh Kim Cang và Bát Nhã Tâm Kinh, cùng lấy Kinh Tượng Đầu Tịnh Xá làm nền tảng. Đây là những kinh văn thể hiện tư tưởng Đại Thừa, mà cái đích là đạt đến Nhất Thừa Pháp, tức Phật Thừa.
Dù Tỳ Ni Đa Lưu Chi đắc pháp tại Trung Hoa với Tổ Tăng Xán, vị Tổ thứ ba của Thiền Tông Trung Hoa, nhưng ngài lại ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền của Trung Hoa, mà lại chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền của Nam Ấn qua kinh văn hệ Bát Nhã. Đây là cội nguồn, là nguyên nhân để chúng ta làm căn cứ khi nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng của Ni Sư Diệu Nhân.
Trong đoạn ngữ lục vấn đáp, khi trả lời các câu hỏi của đệ tử, Ni Sư đã khẳng định “Xưa nay vốn không đi” để trả lời câu hỏi “Ngồi yên là thế nào?”
“Đạo vốn không lời” để trả lời câu hỏi “Không nói là thế nào?” đều thuộc về tinh thần Bất Nhị, Nhất Thừa Pháp.
Lục Tổ Huệ Năng (Hoa Nam, Trung Hoa), nhà vua Trần Thái Tông (Việt Nam) đã chứng ngộ tinh thần Vô Trụ khi đọc đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong kinh, mà trong Pháp Bảo Đàn Kinh của Huệ Năng, Thiền tông chỉ nam tự của Trần Thái Tông, các ngài đều có nhắc đến. Với Ni Sư Diệu Nhân cũng vậy, nghĩa là Ni Sư đã thấu đạt tinh thần vô sở trụ cùng cái lý Tánh Không của vạn pháp mà kinh văn hệ Bát Nhã đã đề cập.
Cho nên, khi đệ tử hỏi, “Hết thảy chúng sinh bệnh thì ta cũng bệnh, tại sao lại cứ phải kiêng kỵ thanh sắc?”
Sư dẫn kinh sách đáp,
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Câu trả lời của Ni Sư là lấy từ Kinh Kim Cang. Ngài muốn các đại đệ tử cần buông xả tất cả, không bám víu, chấp trước. Đấy là tinh thần Vô Trụ.
Ngài dạy,
Nếu thấy ta qua sắc tướng
Cầu ta qua âm thanh
Thì là người hành tà đạo
Không bao giờ thấy được Như Lai.
Đọc đến đây sẽ có người thắc mắc: Tại sao trong các kinh như Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Kinh Pháp Hoa), Phật Thuyết A Di Đà Kinh (Kinh Di Đà), Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh (Kinh Dược Sư)… thì Đức Thế Tôn đã khuyên các đệ tử nên nhiếp tâm tín thọ phụng hành, chiêm bái, đảnh lễ và trì tụng thì khi thác sẽ được về cảnh giới Cực Lạc của thế giới Tây phương nơi Đức Phật A Di Đà ngự trị hay thế giới Đông Phương của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
Trong khi đó, ở Kinh Kim Cang thì Ngài lại dạy đệ tử không nên chiêm bái Phật (Nhược dĩ sắc kiến ngã), không nên đọc tụng, tán thán Phật (Dĩ âm thanh cầu ngã), bởi đó không phải là thực hành chánh đạo, mà là “thực hành tà đạo,” và như vậy là không bao giờ thấy được tự tính, giác ngộ (Bất năng kiến Như Lai).
Vấn đề đặt ra về logic tưởng chừng như nghịch lý, đối lập. Nhưng thật ra, nếu suy ngẫm kỹ, thì không phải như vậy. Bởi giáo lý tư tưởng nhà Phật là khế cơ, khế thời, khế xứ, khế lý. Tinh thần tùy duyên hóa độ của nhà Phật nằm ở chỗ này. Căn tính, trình độ của tất cả chúng sinh không phải ai ai cũng như nhau, cũng đồng nhất, mà trái lại, vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều thứ bậc, trình độ, căn cơ khác nhau. Với bậc hạ trí, thì Đức Phật dạy nên trì giới, sám hối, tụng kinh, niệm Phật, chiêm bái, cúng dường để tích tụ phúc đức, tức gieo thiện nghiệp, gieo nhân lành để hưởng quả phúc về sau.
Trong khi đó, với bậc thượng trí thì Ngài lại chỉ bày những phương pháp hành trì tu tập cao sâu, siêu việt hơn. Kinh văn hệ Bát Nhã với cái lý bàn về Tính Không của các pháp, thể hiện tinh thần phá chấp, không bám víu, tức tư tưởng Vô Trụ, thì chỉ dành cho các bậc thượng trí. Thiền học và Thiền tông vận dụng tư tưởng này của kinh để hành giả hành trì tu tập mà khai ngộ. Đó cũng là lý do để chúng ta hiểu tại sao trong thời gian thuyết pháp độ sinh với 45 năm (theo Nam truyền) hay 49 năm (theo Bắc truyền), Đức Thế Tôn thuyết giảng rất nhiều, nhưng kinh văn hệ Bát Nhã với tư tưởng Tính Không, Vô Trụ, Siêu Việt Hữu – Vô thì được Ngài giảng sau cùng.
Ở đây, Ni Sư Diệu Nhân đã thông tỏ nghĩa lý của kinh nên khi giải đáp câu hỏi của đệ tử “Hết thảy chúng sinh bệnh thì ta cũng bệnh, tại sao lại cứ phải kiêng kỵ thanh sắc?” thì Ni Sư lại lấy bài kệ trong kinh mà trả lời để giải đáp nhằm phá triệt tư duy logic đầy vọng kiến của đệ tử.
Cuối cùng là bài kệ được Ni Sư đọc để dặn dò đệ tử trước khi lâm chung, dạng kệ này được định danh là “Thị Tịch Kệ” (kệ thị tịch). Các sách truyền đăng của nhà Phật như: Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, Phật Tổ Thiền Uyển Kế Đăng Lục ở Việt Nam, hay Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ở Trung Hoa có chép lại tiểu truyện, hành trạng của các vị thiền sư thì có chép lại rất nhiều bài kệ thị tịch của các vị. Chúng ta thử tìm hiểu để giải mã bài kệ thị tịch của Ni Sư Diệu Nhân:
Sinh lão bệnh tử
Tự cổ thường nhiên
Dục cầu xuất ly
Giải phọc thiêm triền
Mê chi cầu Phật
Hoặc chi cầu thiền
Thiền Phật bất cầu
Uổng khẩu vô ngôn.
Tức là:
Sinh lão bệnh tử
Lẽ thường tự nhiên
Muốn cầu thoát ly
Càng thêm trói buộc
Mê mới cầu Phật
Hoặc mới cầu thiền
Chẳng cầu thiền Phật
Mím miệng ngồi yên.
Hai câu đầu “Sinh lão bệnh tử, Tự cổ thường nhiên,” Ni Sư đã nhắc lại cái quy luật sinh tử vô thường của kiếp người, của cuộc đời, của vạn pháp. Đó là cái lẽ thường tự nhiên từ ngàn xưa, là nguyên lý tự nhiên, nó vốn như thế, sẵn như vậy, tồn tại rồi mất đi, chỉ có như vậy, không gì có thể làm thay đổi, không ai có thể cưỡng lại, hay chống đối, hoặc chế ngự, làm ngưng trệ cái lẽ ấy được. Vấn đề là, bởi đã nhận chân được đó là cái lẽ thường tự nhiên rồi thì hành giả ung dung, thong dong, tự tại khi đón nhận, không lo lắng, sợ hãi trước quy luật vô thường, biến thiên ấy.
Trước Ni Sư một thế kỷ, Thiền Sư Vạn Hạnh (938-1018) đã có tinh thần tự tại như thế. Lúc sắp lâm chung, ngài đã đọc bài thi kệ dặn dò đệ tử mà người đời sau đặt tên nhan đề là Thị Đệ Tử:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Tức là:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
Ở đây, qua bài kệ, tư tưởng của kinh Kim cang cũng đã được Thiền Sư Vạn Hạnh thấu triệt, thông tỏ. Cái lý vô thường của vạn pháp, sự biến đổi của thế giới hiện thực khách quan đã được tái hiện trong bài kệ. Câu đầu nói cái quy luật sinh tử của kiếp người. Câu sau nói cái quy luật biến thiên của tự nhiên. Vấn đề là hành giả cần thấu triệt cái quy luật ấy, hiểu rõ cái lẽ “nhậm vận thịnh suy” ấy. Có nhận chân được quy luật, thì hành giả mới có tinh thần bình thản tự tại, với thái độ “vô bố úy” (không sợ hãi), thể hiện dũng khí trước thực tại đổi dời.
Ở đây, tư tưởng trong bài thi kệ trên của Vạn Hạnh là bắt nguồn từ bài kệ ở cuối bài kinh Kim Cang:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
Tức là:
Tất cả các pháp hữu vi
Như giấc mộng, không thật
Như bóng nổi, như bóng hình trong gương.
Như giọt sương, cũng như ánh chớp
Nên quán tưởng như thế.
Thiền Sư Viên Chiếu (999-1090) đời Lý với bài kệ thị tịch cũng đã nhận chân cái lẽ vô thường, thấy rõ cái Tính Không của các pháp mà kinh văn hệ Bát Nhã có nêu và cũng đã có thái độ bình thản, vô úy như Vạn Hạnh:
Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhậm thôi di.
Tức là:
Thân con người ta như bức tường bức vách đến lúc nào đó thì sẽ đổ nát, Người đời thì lật đật vội vàng thật đáng thương xót thay. Nếu đạt cái tâm không, không có tướng sắc, Bởi sắc và không nó luôn ẩn hiện, mặc xoay vần.
Ni Sư Diệu Nhân cũng vậy, ngài đã nhận thức rõ cái quy luật biến thiên vô thường ấy của hiện thực khách quan với một thái độ bình thản, tự tại. Tiếp theo, bài kệ nêu lên tư tưởng Vô Trụ, không bám víu, thể hiện tinh thần phá chấp triệt để: Muốn cầu thoát ly, Càng thêm trói buộc. Mê mới cầu Phật, Hoặc mới cầu thiền. Ni Sư cho rằng, hành giả nếu còn càng mong cầu giải thoát thì càng bị trói buộc thêm, bởi còn mong cầu là còn chấp, còn ham muốn (dục), cầu mà không được thì sinh ra phiền não, khổ đau (cầu bất đắc khổ). Theo Ni Sư, người mê mới đi cầu Phật, người còn nhiều nghi ngờ mới cầu thiền.
Chuyện kể rằng, khi còn là sa di, một hôm ngài Đạo Tín đến đảnh lễ Tổ Tăng Xán, thưa, “Xin Hòa thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.”
Tổ hỏi, “Ai trói buộc ngươi?”
Đạo Tín nhìn lại một hồi rồi thưa, “Bạch Hòa thượng không ai trói buộc.”
Tổ bảo, “Không ai trói buộc, cầu giải thoát làm gì?”
Đến đây, Đạo Tín tức thời bừng ngộ. Giải thoát có nghĩa là cởi bỏ những sự trói buộc. Ở đây, ngài Phật Hoàng khẳng định rất rõ: chúng ta cầu giải thoát vì cảm thấy mình bị trói buộc. Nhưng ai trói buộc ta? Không có ai trói buộc mình thì mình mong cầu giải thoát làm gì? Chẳng qua là những tâm niệm tham mê đắm trước đã trói buộc chúng ta. Những tâm niệm ấy vừa dấy lên, chúng ta đã thấy nó rồi, tức thì nó tan hoang, còn ai trói buộc mình nữa mà cầu giải thoát? Mỗi khi đã biết rõ các tâm niệm là tạm bợ, hư dối, thì chúng ta không nên chạy theo nó. Đạt được điều này tức có nghĩa là tự mình đã giải thoát cho chính mình rồi.
Theo các thiền giả, và cũng là theo Ni Sư Diệu Nhân, việc tốt nhất mà hành giả nên làm là
Chẳng cầu thiền Phật
Mím miệng ngồi yên.
Hành giả nếu đạt cái Trí sáng suốt, nhận chân lẽ biến dịch vô thường của cuộc đời thì sẽ có tinh thần bình thản tự tại, không sợ hãi, không dao động trước sự biến thiên xoay vần ấy, tức sẽ đạt được cái Dũng. Cuối cùng là trạng thái tịch tĩnh không lời. Vô ngôn thị đạo. Ngộ rõ chân như tự tại, niết bàn, kiến tính thành Phật.
(Ngưng trích dẫn)
*
Trước khi chấm dứt bài viết nơi đây, xin thêm đôi điều về một vị ni đã giữ một vai trò đáng kính trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, mặc dù ngài đã xuất gia không nhắm tới vai trò đó. Trong năm 2019, theo chính sách của nhà nước, một số chùa tại Việt Nam đã vinh danh Ni Sư Diệu Nhân trong những buổi “đại lễ tưởng niệm 906 năm viên tịch” được tổ chức rất long trọng, nhưng có phần rầm rộ, hoành tráng so với đặc tính “thích lặng lẽ, tránh thanh sắc ồn ào” của ngài. Ngôi chùa mà Ni Sư đã tu hành là Ni Viện Hương Hải, nay cũng gọi là Chùa Linh Ứng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Linh Ứng nơi đây là một ngôi chùa nhỏ, nằm khiêm tốn giữa những căn nhà san sát ở chung quanh. Hình ảnh từ tỉnh Bắc Ninh đăng lại trên mạng không cho thấy dấu vết của Ni Sư Diệu Nhân ở chùa này, như thể muốn nhắc nhở lời kinh mà Ni Sư đã viện dẫn gần thiên niên kỷ trước:
Nếu thấy ta qua sắc tướng
Cầu ta qua âm thanh
Thì là người hành tà đạo
Không bao giờ thấy được Như Lai.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.