Những lời sách tấn từ ngài Sukhinda Sayadaw

*Đọc 7 phút*

(Ngài Sukhinda Sayadaw là một hành giả đầu đà trì hạnh bất ngọa – nesajjikaṅga – đã 30 năm không nằm)

Sư Giác Nguyên thông dịch
Chuyển biên: Vân Thiên

Câu nói cuối cùng của Đức Phật trước khi mahāparinibāna (niết-bàn) đó ngài có dạy câu này: vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha. “Tất cả mọi hiện hữu ở đời đều vô thường, đừng có dễ ngươi.”

Dễ ngươi nghĩa là coi thường điều ác nhỏ rồi làm, coi thường điều thiện nhỏ rồi không làm. Câu cuối cùng Ngài chốt lại là làm gì thì làm nhưng đừng bao giờ dễ ngươi.

“Appamado amatapadam,” appamado là không dễ ngươi, amatapadam là con đường không có già, không có chết. Bất cứ đời sống nào cũng phải kết thúc trong cái chết, nhưng riêng một người đã đắc quả Niết bàn thì sau khi Niết bàn rồi thì họ không còn sanh tử. (Làm gì làm chứ luân hồi hoài cũng chán. Đủ rồi!)

Đời sống của chúng ta chỉ là sự ghép lại của các tư thế sinh hoạt, bỏ đi từng tư thế thì không còn gì gọi là đời sống hết. Và tu tập Tứ Niệm Xứ chính là chánh niệm (sampajañña) trong mọi tư thế sinh hoạt, ví dụ ăn, uống, đi, đứng, nhai nuốt… Tóm lại toàn bộ đời sống chỉ là sự ráp lại trong các tư thế, nếu mình chánh niệm trong từng tư thế, làm gì biết nấy tức là mình đang từng bước tiến dần đến Niết bàn.

Toàn bộ thế giới này chỉ quẩn quanh có 6 căn 6 trần thôi. Mắt, tai mũi, lưỡi, thân, sắc, thinh, khí, vị, xúc. Nếu mình sống bằng niềm tin nơi chánh pháp thì đời đời sanh ra 6 căn của mình được ngon lành không khiếm khuyết và 6 trần của mình cũng ngon lành. Nghĩa là mình chỉ thấy, chỉ nghe những gì mình muốn thôi. Còn nếu mình không có đức tin nơi Tam Bảo thì một là đời đời sanh ra 6 căn không đủ, và nếu có đủ 6 căn thì thấy những thứ không muốn thấy, nghe những thứ không muốn nghe, ngửi những mùi không muốn ngửi…

Đường luân hồi thăm thẳm là một hành trình dài giống như cuộc đi trong sa mạc, giống như cuộc đi trên biển cả, giống như cuộc đi trong rừng già hay trên núi cao, chúng ta rất dễ cô đơn nếu như chúng ta không có phước báo, không có trí tuệ, không có gì hết. Nhưng nếu chúng ta có được niềm tin nơi Tam Bảo thì coi như chúng ta đi đâu cũng có người hộ trì mình giống như những người bạn lành vậy đó. Rất là dễ sợ nếu không có Tam bảo, chúng ta sẽ bơ vơ dữ lắm, dầu có chồng có vợ, có tài sản…

Sống ở đời, khi mình tu theo Phật thì mình không cần người ta khen hay cần được nổi tiếng. Nhưng nếu như mình có được sức ảnh hưởng với thiên hạ thì vẫn tốt hơn, bởi vì với sự ảnh hưởng đó mình có thể thu hoạch được nhiều lợi lạc và giúp ích được nhiều người khác. (Như hôm nay mình đến đây, ngài có sự ảnh hưởng nên ngài giúp được mình chứ. Mình tu hành cho đã mà mình không có sự ảnh hưởng thì cái sự giúp đó không được bao nhiêu.) Cho nên, tu gì thì tu nhưng kiếp sau sanh ra được nhiều người khác biết đến vẫn hay hơn. Những phước báo đó đều đến được từ đức tin Tam Bảo.

(Ngài nhắc lại bài giảng trước đây ngài đã giảng ở đây.)

Tu gì thì tu nhưng phải nhớ mọi hiện hữu đều là khổ. Mình tránh ác làm thiện để mình trốn khổ tìm vui nhưng thật racái vui đó cũng là khổ, dukkha sacca trong cattāri ariyasacca.
Mọi hiện hữu đều là khổ. Làm phước để sung sướng nhưng cuối cùng mục đích chứng quả vẫn tốt hơn là quẩn quanh trong cõi nhân thiên. Đó mới là lý tưởng cao nhất.

(Đặc biệt ngài mong mọi người đều tu tập để đạt đến Nibbana. Ngài thấy vui và rất là cảm kích khi thấy người VN mình đi ngàn dặm tới đây làm phước và tu tập. Ngài rất xúc động vì điều đó.)

Hãy nhớ một chuyện, trong kinh dạy, số người đi xuống bốn cõi đọa nhiều như lông trên mình con bò, và số người đi lên cõi trời thì như sừng của con bò. Tu gì thì tu hãy nhớ chừng cơ hội đi xuống rất nhiều. Vì sao? Vì mình sống với tâm bất thiện nhiều hơn tâm thiện.

Có hai loại người: kiểu người thuần túy và kiểu người pha trộn.

Người pha trộn thì vỏ ruột khác nhau. Ăn mặc giống như người, mặt người nhưng làm toàn những chuyện xấu như sát sanh, trộm cắp, tà dâm… đó gọi là người pha trộn. Loại người thuần túy là người có tam quy ngũ giới. Muốn làm người thuần túy phải làm những điều trong sạch, thực hành các thiện pháp. Tùy mình thôi, muốn mai mốt chết đi về đâu thì sống theo kiểu đó.

Năm giới biện biệt giữa người và thú. Không có tisarana (tam quy) và pañcasīla (ngũ giới) thì không phải là manussa (con người) mà là loài thấp kém. Con người khác con thú ở chỗ biết giữ năm giới và thọ tam quy. Bất cứ thứ gì mình có đều có thể đong đếm được nhưng những thứ mình có được từ đức tin Tam Bảo thì đong đếm không được. Muốn có kiến thức ngoài đời thì mình học, qua bao nhiêu năm mình có bằng tú tài, qua bao nhiêu năm mình có bằng tiến sĩ, nhưng để hiểu được Phật pháp cao thâm thì rất là khó, không biết kiếp nào mới đủ. Thứ hai nữa là ở ngoài đời chúng ta nỗ lực nhiều thì số tiền có được cũng vẫn đếm được, nhưng những thành tựu từ niềm tin nơi Tam Bảo đem lại thì đếm không xuể. Tam bảo là vô thượng và những gì Tam bảo đem lại cho mình là vô lượng. Có nội dung ngon lành thì đời đời sinh ra sẽ có hình thức ngon lành.

Nếu mình thiết tha với quả chứng giải thoát thì không một công việc gì, không nơi chốn nào, không thời điểm nào tâm mình rời xa mục đích niết-bàn hết, kể cả khi đi toilet.

(Ngài mong mọi người đều là hành giả hết và sớm muộn gì cũng đều chứng quả niết-bàn.)

Chúng ta hãy tự hỏi lòng mình xem mình thuộc vào loại người nào? Manussaloka, apāyabhūmi hay devaloka tùy mình. Điều đó do chính mỗi chúng ta quyết định. Người có giá trị cao nhất là người có khả năng quy y Tam bảo.

(Ở đây ngài kể có 3 hạng người:)

(1) Không có giới, không có tam quy
(3) Chỉ có giới mà không có tam quy
(3) Hạng khó nhất, đây là hạng có khả năng tin Phật

Vì sao hạng thứ ba này khó nhất? Anh phải hiểu Phật dạy cái gì anh mới có thể quy y một cách đúng nghĩa. Một người không hiểu về gì đạo cũng có thể giữ giới, bởi do giáo dục gia đình, do điều kiện xã hội, do bối cảnh giáo dục. Cái khó nhất là đắc tam quy. Người ta thì đắc thiền, đắc đạo, còn mình thì đắc tam quy. Mình thờ Phật, lạy Phật… là do mình hiểu Phật đã dạy cái gì, đó mới là bậc thượng trí, bậc thượng thừa.

Một con người thật sự là một con người phải có khả năng giữ được năm giới, nhưng gọi là bậc thượng trí phải là người có đủ khả năng quy y tam bảo. Có nhiều người không quy y Tam Bảo nhưng họ khả năng giữ được năm giới — một nền văn hóa nào đó ở châu Âu chẳng hạn. Nhưng muốn có được tam quy thì không phải là hạng bình thường. Đẳng cấp cao nhất của con người là phải có được tam quy và ngũ giới. Chỉ thuần ngũ giới thôi thì đôi chi khỉ là văn hóa thế tục thôi; cao hơn thì là phải có tam quy. Có tam quy thì mới gọi là một người thật sự.

Một người có được niềm tin nơi Tam bảo đúng mức thì với điều kiện tâm lý đó họ sẽ làm được rất nhiều chuyện phước. Bởi vì, nếu chỉ làm phước mà không hiểu được Tam bảo, không hiểu được lời Phật thì công đức rất là nhỏ. Nhưng nếu hiểu được Tam bảo thì làm phước gì cũng là vô lượng. Còn không thì cũng vô chùa, cũng đọc quy giới, cũng bố thí tùm lum nhưng công đức rất là nhỏ. Nhưng người giữ năm giới, hiểu Phật dạy cái gì, nên hành thiện cái gì thì người đó làm cái gì công đức cũng rất vô lượng.

Một người chỉ có ngũ giới thôi thì chưa có đủ, bởi vì với một xã hội văn hóa đạo đức dễ dàng có được năm giới. Nhưng tam quy thì rất là khó. Hiểu tam quy phải hiểu Phật dạy cái gì. Cho nên người có được tam quy rồi thì đi cảnh giới nào cũng khác người khác. Khác ở cảnh giới mình có mặt, khác ở vị trí và khác về mặt trí tuệ. Năm giới trong sạch thì rất là hay, trong một bối cảnh xã hội nào đó thì ok. Nhưng Tam quy thì không, phải hiểu Phật dạy gì, Ngài chứng đắc cái gì và Phật muốn mình làm cái gì thì sự quy y đó mới có ý nghĩa. Người có thành tựu về quy y như vậy đó thì đi bất cứ cảnh giới nào cái gì cũng hơn người ta.

Năm giới là dấu chỉ ranh giới giữa loài người và loài sa đọa, còn tam quy thì lại cao hơn một chút. Tam quy là ranh giới giữa phàm với thánh. Đắc tam quy nghĩa là lạy Phật, tin Phật, học Phật và hiểu Phật dạy cái gì người. Tam quy đúng mức nghĩa là mình đã chạm vào ranh giới Sotapanna hay Sotāpatti (tầng thánh thấp nhất – Tu-đà-hoàn). Giữ năm giới mới chỉ là rời khỏi cái ranh giới của sa đọa thôi, còn thành tựu tam quy là chạm vào cái ranh của phàm thánh.

Chỉ có người đại phước, đại duyên, đại hạnh thì mới có niềm tin vào đối tượng cao quý (Tam bảo), nếu mình tin được đối tượng cao quí thì cái mình làm được cũng là những công đức cao quý. Và từ đó quả báo cũng cao quý. Hễ thành tựu được niềm tin nơi Tam bảo thì chuyện đời cái gì cũng đơn giản.

Sống ở đời, ai cũng có những ước mơ, quan trọng là ước mơ đó là gì, phải là ước mơ có lợi ích cho mình và cho người, cho đời này và cho đời sau.

Ngài Sukhinda Sayadaw

(Nguồn: New Dharma Readers/ Facebook đăng ngày 11 tháng 4, 2020 với lời cảm ơn đạo hữu Vân Thiên đã gởi cho bài ghi chép)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *