Bài HOÀNG MAI ĐẠT
Chiếc xe, coi vậy mà không phải vậy, mà chắc là vậy, chỉ là một chiếc xe. Có chắc không?
Từ phòng khách, tôi ngồi nhìn chiếc xe của gia đình đậu ở ngoài đường, bỗng nghĩ ngợi mông lung về chiếc xe. Sáng Chủ Nhật được nghỉ, vui lắm, vui trong lòng. Suốt sáu ngày kia, làm việc từ sáng đến tối, ngủ có mấy tiếng, sáng nay được nghỉ chút, không phải đi đâu xa hay cần làm việc gì nặng ở nhà, nên tôi thấy thư thái vô cùng, muốn dành chút thời giờ để nhâm nhi tách cà phê, nhìn ra cửa sổ sân trước và dừng mắt lại ở chiếc xe.
Mặt trời chưa ló dạng nhưng đã tỏa ánh sáng ban mai đến khu phố nhà tôi ở Little Saigon, không xa đường Bolsa là bao. Nghe tiếng vợ đi nhẹ đằng sau lưng ghế sofa, tôi vẫn ngồi yên nhắp cà phê và tiếp tục ngắm chiếc xe CRV màu xanh biển đậu trước nhà.
“Anh làm gì mà im vậy? Suýt chút nữa là không biết có anh ngồi đây,” vợ nói khẽ, như không muốn khuấy động bầu không gian yên tịnh và chưa sáng hẳn của gian phòng khách nhỏ của chúng tôi.
Cũng may, lúc ấy bên ngoài của sổ chỉ có mấy chiếc xe đậu im lìm, xe ai nhà nấy đậu, không có một bóng hồng nào đi ngang, nên tôi không bị nàng nghi ngờ về lòng chung thủy “sắt son vẹn toàn” của mình. Mà cũng may thiệt. Xóm nhà tôi có nhiều bác cao niên người Việt mình thường đi bộ buổi sáng, đi qua rồi đi lại, tới lui cả tiếng đồng hồ. Rồi mấy anh, mấy chị trẻ chạy bộ hoặc dắt chó đi ngang cũng không ít. Nếu như nàng nhà tôi mà tình cờ thấy chồng nhìn một bóng hồng nào đó, cho dù là bóng… già đi chăng nữa, một cách đăm chiêu như sáng hôm ấy, thì tôi không biết phải giải thích làm sao đây? Chắc là vợ chồng sẽ có mấy câu đối thoại kiểu phim bộ Hàn quốc như sau:
“Anh ngó cái gì dzậy?”
“Anh chỉ ngắm chiếc xe nhà mình đậu trước nhà thôi mà, cưng yên tâm.”
“Thiệt không á? Sao coi bộ đăm chiêu quá dzậy?”
“Thiệt mà!”
“Chiếc xe nhà mình cũ mèm, có gì đâu mà ngắm, mà miệng lại còn cười tủm tỉm nữa, trông hơi… dzê dzê, nghi ngờ lắm đó nhen.”
Cười thì cũng có cười, nhưng mà “dzê” bậy bạ thì không có rồi đó, chưa biết giải thích sao cho gọn, dễ hiểu.
Mà buổi sáng Chủ Nhật hôm đó lòng tôi cũng thấy “dzui” thiệt, vui lúc ngồi nhìn chiếc xe màu xanh quen thuộc kia đậu trước nhà. Vui một phần vì được nghỉ ngơi, mà còn vui vì một lý do khác nữa, rất khó tả, nhưng tôi cũng ráng giãi bày cho bạn nghe, nếu bạn chịu nghe. Chuyện kể này còn dài, và cũng có những đoạn rất “boring” (xin lỗi, thỉnh thoảng tôi quen miệng nói tiếng ngoại, không phải muốn chứng tỏ ta đây biết chút tiếng… Ăng-lê, nói theo kiểu mấy bác thời xưa). Lúc nào đọc thấy nhàm, chán, bạn cứ việc bỏ ngang bài này và tìm bài viết khác để đọc. Mạng điện toán thời nay có khối chuyện hay để đọc, hay lắm, hay gấp bội.
Phải nói trước vậy, vì từ đoạn này trở đi, tôi chỉ kể cho bạn nghe mấy chuyện lẩm cẩm, quanh quẩn chuyện chiếc xe cũ của chúng tôi, và chuyện… đi chùa.
Đúng vậy, chuyện chùa.
Chà, coi bộ boring thiệt à nha!
Khi ngồi ngắm chiếc xe đậu ngoài đường, cách cửa sổ chừng mười thước, tôi miên man nghĩ đến nó, đến sứ mạng của chiếc xe đó trên thế gian này, hay đúng hơn là ý nghĩa của nó trong cuộc đời của chúng tôi. “Con ngựa sắt bốn bánh” đó mà cũng có ý nghĩa hay sao? Quả là đầu óc của tôi đã đến lúc lẩm cẩm, cần phải đi bác sĩ để “check” lại.
Mà không lẩm cẩm sao cho được. Tôi đã đến ngưỡng cửa của tuổi sáu mươi, chắc chắn không còn trẻ, già thì cũng tùy, về thể xác cũng như tâm lý. Chẳng hạn ra ngồi quán cà phê bù khú với mấy ông bạn thì chắc chắn là không rồi. Hồi còn trẻ thì được, khi đó còn muốn gặp người này người kia, đấu láo chuyện trên trời dưới đất, hay tính chuyện làm ăn, buôn bán này nọ. Giờ mà ra ngồi quán thì thấy phí thời giờ, vô bổ, lại có khi mang chuyện bực mình về nhà. Nhưng tôi cũng chưa hẳn già, còn trẻ, quá trẻ để vô viện dưỡng lão, còn cắt cỏ được ở sân nhà, thay vì cắt chừng 30 phút xong như trước đây thì bây giờ cũng cỡ một tiếng, hay lâu hơn, vì cần làm chậm lại… để thở, và để xoa cái lưng cho bớt đau. Già thì hay hoài niệm, rồi đâm ra nói, nghĩ lẩm cẩm.
Chiếc xe cũng như người ta, tôi đoán, đã đến thế gian này với một mục đích nào đó, chứ không hẳn được ráp ở xưởng xong ra chạy ào ào cho đến ngày rã bánh.
Thế nên sáng Chủ Nhật hôm ấy, tôi thấy vui trong lòng vì tin rằng mình đã tìm ra mục đích của chiếc Honda CRV màu xanh, blue metallic, đang đậu ở trước nhà. Đến Mỹ từ năm 1975, những kẻ tỵ nạn như tôi chắc hẳn đã “tậu” chừng chục chiếc xe chứ không ít. Xe Mỹ có, xe Nhật có, xe Âu Châu cũng có, toàn xe đời cũ, hay nói theo kiểu thời nay, xe “đã qua sử dụng.” Xe đầu đời ở Huê Kỳ của tôi là một chiếc Mustang đỏ mua ở đại lý, sửa muốn chết cho đến ngày phải bỏ nó. Còn chiếc Honda Accord kia cũng mua ở đại lý thì chạy bền hơn, được trao lại cho con chạy tiếp cho đến ngày rụng. Giữa những chiếc đó bỗng có một chiếc Audi do một ông bạn sửa xe bán lại, xe máy lớn, mạnh, đủ rộng cho hai vợ chồng chở ba đứa con đi chơi đó đây, vượt rừng băng núi không thua ai. Rồi chiếc đó cũng phải đi về hư không.
Mỗi chiếc xe để lại trong tôi một ấn tượng về nó. Chiếc đầu đời là những ngày khó khăn của người tỵ nạn, phải lội tuyết, bám lên dốc để hội nhập vào xứ Mỹ, những chiếc kia chạy phăng phăng dính liền với sự nghiệp của tôi, sự khôn lớn của các con, và hạnh phúc của vợ chồng giữa những thăng trầm của cuộc sống. Riêng với chiếc CRV màu xanh này, nhìn nó thì tôi lại nghĩ đến những buổi đi chùa. Không hiểu sao, từ ngày có nó là chúng tôi đi chùa thường xuyên hơn. Tôi đoán đó chỉ là sự tình cờ, ngẫu nhiên, nhưng rồi có chắc tình cờ không?
Chiếc Honda CRV này không đẹp gái gì cho lắm, đời 2007, được chúng tôi mua lại năm 2011. Năm đó là năm cuộc sống của chúng tôi có mấy biến cố “trầm,” mà con đường tìm hiểu đạo thì dường như lại “thăng.” Chuyện “trầm” thì thôi để một dịp khác kể bạn nghe, chỉ nói sơ qua là vợ chồng may mắn còn sống để học tiếp những gì cần học ở cõi đời này.
Chiếc CRV xanh được chúng tôi tìm thấy trên mạng, thấy giá cũng rẻ so với mấy chiếc khác cùng tuổi, cùng tình trạng, nên lái xe đến xem mắt. Chúng tôi ở Westminster, xe mua ở một đại lý dưới Hạt San Diego, khá xa cho chuyện mua xe một cách bình thường. Đến nơi thì được biết đây là xe “salvaged,” tức là xe được “cứu vớt” từ một tai họa nào đó. Luật ở California, hay nói chung ở Mỹ, cũng hay, bắt buộc giấy chủ quyền phải ghi chữ “salvaged” để người mua biết về quá khứ đau thương của nó, nếu không thì người bán muốn tán hươu tán vượn gì đó về chiếc xe thì những kẻ gà mờ như chúng tôi cũng đành chịu thiệt. Nhìn bộ mã được sơn phết lại khá tốt thì khó mà biết được bên trong ruột xe như thế nào.
Chạy thử thì thấy xe cũng “good,” hơi có tiếng gió rít qua khe hở ở đâu đó trên xe mỗi khi chạy ở tốc độ cao. Nhận mua rồi nhưng đợi cho xong thủ tục làm giấy tờ cũng khá lâu. Chúng tôi đã lái một chiếc Nissan đến xem xe CRV vào một sáng muộn Chủ Nhật, đến giờ ăn trưa thì giấy tờ vẫn chưa xong, nên tìm một bãi đậu vắng, có bóng mát để ăn trưa, nghỉ ngơi.
Trước đó, trong hơn một giờ chạy từ Westminster xuống San Diego, chúng tôi đã nghe dĩa kể chuyện về cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân đọc từ cuốn “Đường Mây Trên Đất Hoa” do Thầy Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong phóng tác. Lúc ăn trưa lại nghe tiếp câu chuyện đầy những chi tiết ly kỳ về cuộc đời tu hành và hoằng pháp của ngài thiền sư Hư Vân.
Ngài Hư Vân kể về lúc ngài chào đời: “Đêm nọ, cả cha lẫn mẹ đều nằm mơ thấy một vị mặc áo xanh, tóc dài, trên đỉnh đầu có tượng Bồ Tát Quán Thế Ấm, cưỡi hổ mà đến, nhảy lên trên giường. Mẹ kinh sợ, giật mình thức dậy, liền thọ thai. Cuối năm đó cha đi nhậm chức tại phủ Nguyên Châu.
“Tháng bảy ngày hai mươi, giờ dần, tôi ra đời tại phủ Tuyền Châu. Lúc ấy thân được bao bọc bởi một bọc thịt. Mẹ thấy vậy, kinh hãi vô cùng, nghĩ từ đây về sau chắc sẽ không còn hy vọng sanh con được nữa, nên buồn uất khí mà chết. Hôm sau, có ông lão bán thuốc đến cắt bọc thịt, bồng tôi ra. Kể từ đó được bà kế mẫu, Vương Thị, chăm sóc nuôi nấng.”
Có lẽ vì câu chuyện của ngài Hư Vân quá hấp dẫn, nên đến khi cả hai vợ chồng có dịp cùng đi chung trên chiếc CRV mới mua mấy ngày sau, chúng tôi nghe tiếp đến đoạn chót của tác phẩm “Đường Mây Trên Đất Hoa.” Bữa ăn trưa ỡ bãi đậu vắng đợi nhận chiếc CRV ở bắc San Diego hôm ấy cũng là một trong những ngày đầu ăn chay trường của chúng tôi. Nên bạn thấy đó, chuyện đi chùa của chúng tôi chắc cũng có cái duyên gì chăng với chiếc xe màu xanh này.
Mà cũng như chúng tôi, chiếc xe không được vẹn toàn. Mua được một thời gian thì mới nghe mấy anh thợ máy bảo là bộ phận “catalytic converter” nguyên thủy trong hệ thống ống khói đã bị cắt mất, bị thay bằng một bộ phận “made in china” rẻ tiền. Muốn sửa cho hoàn chỉnh thì phải mang xe đến đại lý Honda, tốn đâu chừng hai, ba ngàn cho một cuộc phẫu thuật dài nửa ngày chứ không ít. Mua xe “as is” thì phải tốn tiền, biết nói sao giờ.
Được cái là chiếc xe này khỏe, lại đủ rộng để chở vợ chồng cùng con chó và nhiều hành lý trên những chuyến đi viếng chùa xa. Trong vòng ba, bốn năm từ lúc có chiếc CRV, mỗi dịp được nghỉ lâu hơn một tuần (một điều mà hiện giờ chúng tôi tạm thời không có), vợ chồng cùng con chó lại đi chùa. Ba đứa con của chúng tôi đã lớn cả rồi, sống ở ba thành phố khác nhau, biết tự lo cho thân, nên chúng tôi chỉ còn con chó Kiwi đeo theo bố mẹ. Kiwi là con chó cái ber-giê được chúng tôi “salvaged” từ một trung tâm cứu thú vật ở Los Angeles. Nó về nhà từ năm 2005, nay già chừng 80 tuổi người, đi đứng cũng chậm chạp như vậy, là đứa con tuy không biết nói nhưng rất gần với chúng tôi, chia sẻ những chuyến đi xa.
Trong ít nhất ba chuyến đi xuyên bang, đám ba đứa chúng tôi đã ghé không biết bao nhiêu chùa, từ Quận Cam này xuống San Diego, qua Phoenix, Tucson bên Arizona, Albuquerque ở New Mexico, Denver ở Colorado, rồi lên Bắc California, ghé Oregon, Washington, Montana qua tuốt bên Canada, rồi trở lại Idaho, Utah.
Có một số chuyện về các chùa mà tôi có ghi chép lại, rồi thời gian trôi qua nhanh, nên chuyện từ năm, sáu năm trước nay đã được xếp lên kệ của dĩ vãng, chờ đóng bụi tan theo thời gian, chỉ lôi xuống dăm mẩu chuyện để chia sẻ với bạn, về chiếc CRV và sứ mạng của nó. Tôi tin là nó đã đến để chở chúng tôi đi chùa, chở cả con Kiwi nữa.
Kiwi được ngồi, và nằm ở băng ghế sau, hành lý chất tuốt đằng sau cốp, còn vợ chồng ngồi ở ghế trước, vừa lái xe vừa nghe băng giảng. Tại nhiều sân chùa, như chùa Tam Bảo ở Fresno, California, chùa Vạn Hạnh ở Seattle, Washington, hay chùa Linh Thứu (cũ) ở Boise, Idaho, chúng tôi từng nghe quí ni và quí đạo hữu, mà nhất là các đạo hữu tí hon, reo lên khi thấy con Kiwi ló đầu ở ghế sau. Mỗi lần xe ngừng bánh thì Kiwi mới dám ngồi dậy, đưa cái đầu qua cửa sổ để hít hơi, nhìn thiên hạ, dẫn đến những tiếng reo cười ngạc nhiên ở sân chùa, “Ồ, có con chó ngồi trong xe. Có con chó được chở đi chùa.”
Vào một buổi chiều giữa tuần trong tháng Mười, chúng tôi từng ghé Niệm Phật Đường Fremont ở Bắc California. Để con Kiwi ngồi trong xe, vợ chồng vào lễ Phật rồi tìm thầy để thăm hỏi, “vấn đạo.” Bữa hôm đó may phước, được gặp Sư Ông Thích Thái Siêu. Thầy vừa tắm xong, đang ngồi cắt móng chân ở sau chùa, thoải mái và tự nhiên, đón chúng tôi với nụ cười rộng trên khuôn mặt trắng hồng. Nói theo kiểu nhà quê của tôi, thầy rất dễ thương, dễ mến, gặp rồi thì không thể nào không… nhớ nhung.
Quí vị nào từng nghe Thầy Thái Siêu giảng thì biết rồi đó, thầy kể chuyện, và làm trò, còn vui hơn mấy danh hài thứ thiệt, mà lại lành và đầy đạo vị. Nghe thầy nói chuyện sống thực ở ngoài đời thì thú vị hơn so với nghe băng hoặc xem YouTube. Chiều hôm ấy thầy rảnh, lại đã ăn uống xong, nên đãi vợ chồng chúng tôi một buổi nói chuyện về thiền, về một số điều mà những đạo hữu chân ướt chân ráo như chúng tôi còn thắc mắc.
Bữa hôm đó thầy đã quá chân tình với đôi vợ chồng từ phương xa. Hai đứa được thầy dẫn xuống bếp để ăn cơm chùa, vừa ăn vừa nghe thầy thuật lại những câu chuyện từ Đông sang Tây. Nghe chúng tôi nói sẽ ghé Vạn Phật Thành ở Ukiah ngày hôm sau, Thầy Thái Siêu liền kể về Ngài Tuyên Hóa và huyền thuật tìm được nước ở Vạn Phật Thành. Vừa kể Thầy Thái Siêu vừa làm bộ tịch của người tìm nước, rồi làm dáng đi của loài chim công, hai cùi chõ khuỳnh ra làm đôi cánh đi lại trong bếp, làm tôi muốn nhịn mà nhịn không được, phải cười khúc khích một hồi. Hôm sau đến Vạn Phật Thành, chúng tôi mới hiểu ra và thấy sân chùa lớn này có rất nhiều chim công, được thả đi rông khắp sân chùa.
Đêm ở sân chùa Niệm Phật Đường Fremont, Thầy Thái Siêu tiễn chúng tôi ra tận xe, và lúc ấy Ôn mới ngạc nhiên khi thấy con Kiwi đang ngóng cổ ở cửa sổ. Dưới ánh trăng đêm thu, thầy nói chuyện với Kiwi, hỏi nó có quy y chưa. “Kiếp sau con nhớ đi tu nha, nhớ đến chùa, nhớ ăn chay, niệm Phật,” thầy nói với nó. Không biết nó có hiểu gì không mà im ru, không sủa, nét mặt vui, không biết vì nghe thầy hỏi chuyện hay vì thấy bố mẹ xuất hiện sau mấy giờ biến mất trong chùa. Sau đêm đó thì tôi coi như Kiwi đã được quy y với Thầy Thái Siêu, cũng oai ra phết.
Còn ở chùa Như Lai tại thành phố Denver, cũng một ngày mùa thu sau một năm ghé Fremont, tuy Kiwi không được gặp Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, nó được phép ở chung cabin với vợ chồng chúng tôi. Theo quy luật ở chùa này, thú vật không được vào trong chánh điện, trong thất hay trong phòng ăn. Chùa có nuôi mèo, mà mèo cũng phải ở trong nhà nhỏ của chúng ở ngoài sân, dù mùa đông ở Denver lạnh dưới mức đông đá. Thấy vợ chồng chúng tôi quá gần với con Kiwi, chúng tôi lại được hai sư cô lên tiếng “can thiệp,” nên Sư Ông đã từ bi cho phép Kiwi được ngủ chung trong thất của chúng tôi đêm hôm ấy, còn chúng tôi thì mỗi đứa một phòng riêng trong thất.
Kiwi cũng có mặt trong chiếc xe từng chở chúng tôi đến tận Edmonton bên Canada thăm chùa Trúc Lâm của Thầy Pháp Hòa và quý đạo hữu ở bên đó. Ngày ấy xe của chúng tôi đã ì ạch chạy theo một chiếc xe khác phóng rất nhanh trên một quốc lộ để đến Tây Thiên Thiền Viện, theo Thầy Pháp Hòa vào Tây Thiên lúc ấy đang xây cất chưa “hoành tráng” như bây giờ.
Chuyện đi chùa với chiếc CRV màu xanh, hay màu lam, màu của cư sĩ Việt Nam, đã để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp để nhớ mỗi khi cảm thấy đường tu tập của mình không được tinh tấn. Có khoảng một thời gian vợ tôi cũng dùng chiếc xe này để chở các bác lớn tuổi đến viện dưỡng lão mỗi tuần, để cùng nhau tụng kinh cho các bác bị bệnh nặng hay quá lớn tuổi nằm trong viện, đang ở giai đoạn chót của đời người.
Bài đã dài, mà chuyện liên quan đến cái tựa “Mùa Xuân đưa con đến chùa” thì chưa nhắc tới. Quả là tôi có lẩm cẩm, xin bạn thứ lỗi cho. Thôi thì để kết thúc bài viết, xin kể bạn nghe vì sao câu chuyện lại có cái tựa như vậy. Lẽ đương nhiên chuyện vẫn liên quan đến chiếc CRV.
Số là ngày Tết Nguyên Đán năm rồi, hai con đã ra ở riêng của chúng tôi có về thăm nhà. Anh con trai Vi-Diệu thường được gọi tắt là Vi, trên ba mươi, sống ở Los Angeles. Còn cô con gái Heather, dưới ba mươi, làm việc bên New York. Biết các con rất bận vì đang ở tuổi cần tạo sự nghiệp, phải phấn đấu với đời, nên chúng tôi ít khi quấy rầy chúng, không gây thêm áp lực cho con về chuyện thăm nhà hay lập gia đình, chỉ nghe điện thoại mỗi khi con cần nói chuyện, hoặc hỗ trợ các con khi cần thiết. Anh con trai ở Los Angeles thì về thăm nhà chừng mỗi tháng một lần, thường chia sẻ trên Facebook cho chúng tôi cùng biết chuyện sinh sống của mình. Còn cô con gái thì ở quá xa, nên mỗi năm chỉ có thể về thăm vào dịp lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh. Năm rồi cô nàng bỗng nổi hứng muốn về thăm bố mẹ và con Kiwi vào ngày Tết Nguyên Đán, lại dắt theo anh bạn trai Mỹ gốc Anh để giới thiệu với bố mẹ và cho anh chàng này biết chút văn hóa ở Little Saigon.
Chúng tôi đã hơi ngạc nhiên khi nghe con ở xa muốn về thăm vào dịp Tết Việt Nam. Làm việc ở Mỹ thì rất khó kiếm ngày nghỉ chung quanh Tết Nguyên Đán. Vậy mà Heather đã dàn xếp sao đó để mang Bryan, bồ của nó, về thăm khu phố Bolsa mấy ngày đầu Xuân. Trong mấy tấm ảnh con gởi về cho bố mẹ xem trước, tôi thấy Bryan có thân hình cao gầy, râu tóc xồm xoàm kiểu thời nay của mấy ông Tây Phương trông rất nghệ sĩ.
Ngạc nhiên hơn nữa là khi về đến nhà, con gái bỗng đề nghị bố mẹ đưa chúng đi chùa.
Từ ngày cô gái út rời trường Trung Học Bolsa Grande đây, chúng tôi biết con không muốn sống gần cha mẹ, gần chiếc nôi văn hóa, gần mọi thứ ở Little Saigon này, kể cả gần các bạn của nó. Con muốn tự đi tìm một sự nghiệp, ở một nơi tuốt tận bên kia bờ nước Mỹ. Kể ra thì Heather cũng không khác cha ở mặt tự lập, tự tìm con đường cho tương lai của mình. Hơn ba thập niên trước, sau khi tốt nghiệp đại học ở Pennsylvania, thay vì kiếm một cô vợ mà có nhiều phần trăm là Mỹ và sống ở đó, tôi lại phóng xe tìm đến tận Nam California, chẳng quen một ai ở đây ngoài vài người bà con xa, rồi dính… cô vợ Việt. Năm ấy tôi muốn tìm về văn hóa của người Việt mình, vì thời mới lớn của tôi bỗng dưng bị chiến cuộc bứng ra khỏi quê hương và ném qua bên kia bờ đại dương. Nay thì con gái tôi lại rời California để bay đến New York, chẳng quen một ai ở thành phố đó ngoài vài đứa bạn học cùng trường UC Irvine.
Thế nên tôi vui mỗi khi nghe con gọi về hỏi mẹ cách nấu nướng mấy món ăn Việt Nam quen thuộc ở nhà, biết dẫu sao chăng nữa con bé cũng còn giữ một mối dây văn hóa với cha mẹ. Nay con lại về thăm Little Saigon, dắt thêm bạn và muốn bố mẹ đưa đi chùa. Anh Vi của Heather đã quen Bryan qua mạng, có gặp nhau một lần mấy tháng trước đó, rất hạp tính và cùng sở thích, nên khi biết cô em muốn đi chùa với bố mẹ thì Vi cũng muốn đi theo… cho vui.
Nghe con đề nghị dành một ngày để được bố mẹ chở đi chùa thì tôi không giấu được sự ngạc nhiên, nhưng chưa biết đi chùa nào. Chùa Việt Nam ở đây trong ba ngày Tết thì đông như chợ, kiếm chỗ đậu xe cũng mệt. Với thời gian con về thăm không lâu, tôi muốn được dịp được gần con nhiều hơn qua một sở thích của riêng mình. Đó là lái xe đi xa.
Vợ chồng bàn tính, cuối cùng chọn đi chùa Chân Nguyên ở vùng sa mạc Adelanto, vừa đủ xa để đi mà cũng lạ cho các con. Lần đi này thì chúng tôi đành để con Kiwi ở lại nhà, vì chiếc CRV không còn chỗ cho nó. Trước khi rời nhà, “chị” Heather đã ve vuốt, nói chuyện âu yếm với “em” Kiwi một hồi.
Đường lên Chân Nguyên sáng Chủ Nhật hôm đó cũng khá đông xe trên xa lộ 91 và 15, mặc dù là ngày Tết của người Á Đông chứ không phải của người Mỹ. Hai vợ chồng ngồi ở ghế trước, còn ba đứa con lớn xác hơn bố mẹ ngồi ở băng sau, nói chuyện tíu tít như chim trong suốt gần hai giờ lái xe của tôi. Đôi lúc tôi có lắng nghe nhưng chẳng hiểu chúng nói chuyện gì, vì tiếng Anh “siêu âm” của các con nhanh gấp mấy lần gió, chỉ nghe tiếng cười rộn ràng, vui như… Tết.
Chùa Chân Nguyên được cái rộng, dù đông khách thập phương nhưng không đến nỗi thiếu chỗ đậu xe. Không những vậy, các con cũng cảm thấy thoải mái ở nơi rộng thoáng, nên chúng tự đi tìm hiểu, tự lễ Phật mà không cần đi “dính chùm” với vợ chồng chúng tôi.
Ở chánh điện thì vợ chồng chúng tôi được một phen ngạc nhiên, khi thấy con gái chỉ dẫn bồ của nó cách lễ Phật. Thật bất ngờ vì mấy năm trước, ở tuổi nổi loạn, con gái từng nói với tôi nó không muốn dính dáng gì đến chuyện tín ngưỡng. Con người chỉ nên tin vào khoa học, nó nói vậy hôm tôi lái xe đưa nó trở lại trường và tính khuyên con khi không còn cha mẹ thì hãy nương vào chùa, hay nhà thờ cũng được, để có nơi tựa cho tâm linh. Hồi còn bé, Heather đã được chúng tôi đưa đến chùa để sinh hoạt với gia đình Phật tử, trước là để học Việt ngữ, sau là có bạn đạo mỗi sáng Chủ Nhật. Lên high school thì con xin nghỉ sinh hoạt với gia đình Phật tử. Từ đó mỗi lần đến chùa, nghe Sư Ông Hạnh Đạo hỏi thăm cô bé tí xíu giờ ra sao, tôi không biết trả lời cách nào cho Ôn hiểu là nó bận quá, không về chùa nữa, chỉ nói qua loa là nó đã lên đại học, hết còn bé tí xíu rồi thầy ơi.
Thế nên khi thấy con chỉ dẫn bạn của nó cách lễ Phật, mà tôi tin là nó đã học trong những ngày còn sinh hoạt với gia đình Phật tử, lòng tôi bừng lên một niềm vui xen lẫn với tình thương. Bryan cũng lịch sự, lễ Phật xong thì tìm đến tôi để hỏi về các tôn tượng chung quanh chùa. Với vốn tiếng Anh tiếng u của người Việt Bolsa mình, tôi cố gắng giải thích cho Bryan hiểu về ý nghĩa sâu xa mà tôi đã nghe được về Đức Phật Thích Ca, Phật A Đi Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, các ngài Arahan. Không biết Bryan có hiểu gì không, mà cuối cùng nói là phải chi cha của nó có dịp được đến đây để trải nghiệm không gian tâm linh này. Bryan mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với bà nội và cha ở Maryland. Hôm ấy thì Vi Diệu có mang theo máy chụp hình, bấm nhiều bô cho cả nhà. Đến giờ ăn trưa, có lẽ vì đói chưa được ăn suốt buổi sáng, cả ba đứa cùng ăn hết món bún chay ở chùa Chân Nguyên với chúng tôi. Nhìn các con vui vẻ, có lúc tranh nhau nói chuyện như sáo, hay két, ở sân chùa, tôi không giấu được niềm hạnh phúc khi bấm nhẹ vào tay của vợ với nụ cười trong yên lặng.
Trên đường về Westminster chiều hôm ấy, nhìn ba đứa con ngủ gà ngủ gật ở ghế sau qua kính chiếu hậu, tôi thấy thương con vô cùng. Thương vì biết cuộc đời ở phía trước sẽ còn những khó khăn mà các con sẽ phải trải qua, như mọi người đã từng phải sống qua trên thế gian này. Hạnh phúc đó, rồi khổ đau cũng đó, biết làm sao tránh? Nhưng tôi cũng mừng, vì dẫu sao các con cũng đã được gieo một chút mầm lành, để một ngày kia có thể nương vào lúc cần, như chính tôi đã được gieo và đã nương vào.
Mùa xuân đưa con đến chùa là như vậy, chỉ đơn giản vậy thôi, không có chi cao siêu hết.
Từ phòng khách, tôi nghiền ngẫm về chiếc xe và những gì nó đã mang đến cho chúng tôi. Chiếc xe tưởng là vật vô tri, vô tình mà lại không chừng đã cưu mang một sứ mạng vô giá cho ai biết dùng nó. Chiếc xe, coi vậy mà không phải vậy, mà chắc là vậy, chỉ là một chiếc xe. Mạng người chắc cũng thế, cũng đến đây với một mục đích gì đó, không thể phí phạm cho những chuyện ăn chơi vô bổ.
“Anh rảnh thì ra sân tỉa giùm em cái cây này. Ngồi riết mòn sofa.”
Tôi thoáng nghe tiếng nàng nói ở đâu đó. Một mệnh lệnh từ cõi hư vô?
Bước ra sân, tôi thấy vợ đang lom khom dọn cây cỏ ở một góc sân, con chó già Kiwi nằm duỗi mình ở gần đó, hết còn tung tăng như thuở xưa, một nhúm lông vàng của nó rụng rớt trên bãi cỏ, nằm lắt lay như đang chờ một ngọn gió thổi bay xa.
“Kêu anh ra cho có chút thoáng khí, vậy thôi, ngồi trong nhà hoài không tốt đâu. Muốn tỉa thì tỉa, còn không thì cũng ở đây chơi với em.”
Nhìn vợ và Kiwi đang sinh hoạt ở một góc sân vào một buổi sáng mát lạnh, không xa là chiếc xe màu xanh gắn bó với những chuyến đi chùa, tôi nhận ra chiếc xe đã không vô ích, đã chở chúng tôi đến những ngôi chùa xa, đã gom về những bảo vật cho chúng tôi có thể dùng để tự xây lấy một ngôi chùa cho chính mình, trong lòng mình.
Mấy phút sau, sân nhà tôi yên lặng, chỉ có tiếng gió lùa qua tàng lá lao xao và tiếng tỉa cây lách cách. Một buổi sáng mùa xuân yên bình.
*
(P.s. ngày 18 tháng Giêng, 2020: Kiwi đã ra đi bình yên ngày 25 tháng Ba, 2019. Đứa con không sanh của chúng tôi đã được nghe tiếng niệm Phật, tiếng tụng kinh suốt mấy năm mỗi khi vào garage để nghỉ và ngủ, ở nơi chúng tôi có phòng thờ Phật và máy niệm Phật, cho chúng tôi và cho cả Kiwi.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
Có lẽ không có nhiều người Việt có duyên phước như hai người vừa là bạn đời lại cùng là bạn đồng tu như tác giả bài viết này. Thêm một chút ngoài rìa bài: thấy hình lá cờ vàng ở sân chùa thấy thương. Cũng thấy thương con chó đi chùa.
(Hoằng Chơn)