Chết, một pháp môn tu

*Đọc 4 phút*

“Khi quán về cái chết chúng ta cũng đang bày tỏ lòng từ bi với kẻ thù. Chúng ta thấy rằng chúng ta cùng là đồng sự với nhau. Tâm chúng ta sẽ mềm đi khi ta nhận ra tất cả mọi người đều có chung một số phận: chết.”

Bài Tỳ Kheo THÍCH NGUYÊN TẠNG

Nhiều người sẽ ngạc nhiên hỏi tại sao chết cũng là pháp tu. Theo giáo lý đạo Phật, đó là pháp tu rất quan trọng. Chết xuất phát từ tính vô thường, sự thay đổi và biến chuyển, vạn vật có sinh có tử, có hợp có tan, là trung tâm điểm của việc tu tập Tuệ giác. 

Quán niệm về cái chết không phải là một bài luyện tập về sự bi ai, cũng không phải sự bất hạnh của cuộc sống. Thật ra khi quán niệm về cái chết được thực hành đúng, nó sẽ mang lại sự bình yên biết bao. Có lẽ không có gì phải ngạc nhiên vì hầu hết mỗi chúng ta đều bối rối khi nói đến cái chết. Chúng ta đã không thỏa hiệp với bản chất của cơ thể và không thấy cái chết là quá trình tự nhiên. Vì vậy chúng ta có những phản ứng buồn cười, đùa cợt quá mức, lẫn tránh hay bi lụy. Quán niệm về cái chết có thể mang lại cho chúng ta sự cân bằng. 

Trong Kinh Sattipatana đức Phật có dạy nhiều phương pháp quán niệm, trong đó có pháp quán niệm về nghĩa địa (cemetery contemplation). Vào thời đức Phật còn tại thế, các hành giả đi đến các nghĩa địa và đôi khi họ sống ở đó trong một thời gian dài. Các tử thi không được chôn cất hay hỏa táng mà vứt bỏ tại nghĩa trang làm thức ăn cho những con kên kên và những con thú ăn thịt khác. Vì thế, các hành giả phải quan sát thi thể con người qua những giai đoạn hôi hám, sình ươn, mục rữa… Vấn đề chính mà hành giả phải thấy là dù thân thể này của ai đi nữa thì cũng phải chịu cùng một quy luật sinh diệt. 

Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng (Quangduc.com)

Hiện nay, pháp tu quán niệm về nghĩa trang này vẫn còn áp dụng ở các tự viện trong rừng sâu tại châu Á. Ðạo Phật cho rằng, nay ta còn trẻ áp dụng pháp tu này sẽ giúp ta vượt qua nỗi sợ hãi về cái chết. 

Quán niệm về cái chết là tu tập về Tuệ giác. Trí tuệ này có thể nhìn thấy rõ bản chất như thật của sự vật. Bạn có thể thấy rằng quán niệm về cái chết sẽ khiến cho bạn mạnh mẽ, giúp bạn vượt qua những khó khăn trong tu tập, chẳng hạn như cảm giác bồn chồn, buồn ngủ hay đau đớn. Như chính trường hợp của người viết, khi tôi thấy mình buồn ngủ trong lúc tọa thiền thì tôi nghĩ ngay đến cái chết của chính mình, nó lập tức đánh thức tôi. Hay lúc tôi khó chịu, cau có hoặc thả hồn đâu đâu, thì tôi cũng nghĩ về cái chết của chính tôi. Rất ít điều cản trở khi bạn chiếu ánh sáng của cái chết lên nó. Hãy xem cái chết như một người cố vấn của bạn. 

Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), chứa đựng nhiều lời dạy độc đáo của Phật, rằng con người sẽ không đánh nhau hay tranh cãi khi họ biết rõ rằng tất cả đều sẽ chết. Khi quán về cái chết chúng ta cũng đang bày tỏ lòng từ bi với kẻ thù. Chúng ta thấy rằng chúng ta cùng là đồng sự với nhau. Tâm chúng ta sẽ mềm đi khi ta nhận ra tất cả mọi người đều có chung một số phận: chết. 

Có nhiều lợi ích khác khi chúng ta thực hành pháp quán niệm về cái chết. Hiện tại bạn đang bận rộn làm mọi việc, dành nhiều thời giờ để ăn và ngủ. Chỉ một lời thỉnh cầu ở đây là bạn hãy suy gẫm về cái chết, điều đó có thể giúp bạn đánh giá năng lượng các bạn đã tiêu phí. Một khi bạn biết rằng không có sự vĩnh cửu (forever) thì có lẽ bạn sẽ thay đổi tích cực và dành nhiều thời gian để tu tập.

(Trích từ một chương trong cuốn “Death & Rebirth” được thầy Thích Nguyên Tạng soạn dịch sang tiếng Việt mang tựa đề “Chết và Tái Sanh” và xuất bản lần đầu năm 2000 tại Úc. Khi ấy thầy Nguyên Tạng là Đại Đức, nay thầy là Thượng Tọa trụ trì Tu Viện Quảng Đức và cũng là chủ biên Trang Nhà Quảng Đức.

Venerable Pende Hawter (Karuna Hospice Services)

‘Death & Rebirth’ ghi lại cuộc tham vấn giữa Thượng Tọa Pende Hawter và các Lạt Ma Tây Tạng. Thượng Tọa Pende Hawter là một tăng sĩ người Úc, thành lập Karuna Hospice Services (Dưỡng Ðường Tiếp Dẫn Karuna) để chăm sóc người sắp lâm chung ở thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Ðại Lợi. Ngài đã viếng thăm các bậc Lạt Ma tên tuổi như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Dilgo Khyentse Rinpoche, Kirti Tsen-shab Rinpoche, Garje Khamtul Rinpoche, và Geshe Lamrimpa,  để tìm hiểu về tiến trình hấp hối, chết và tái sinh của con người.)

Hoa crocus tím “tái sanh” trong nghĩa địa của sự chết, tại một ngôi nhà thờ cổ không rõ ở đâu. (Photo: Pixabay)

One thought on “Chết, một pháp môn tu

  1. Quán xác chết ở nghĩa địa chỉ là một phần nhỏ trong phần quán thân (thọ/tâm/pháp) trong Kinh Trường bộ Đại Niệm Xứ Mahāsatipaṭṭhāna Sutta (Dīgha Nikāya-DN. 22) hoặc Kinh Trung bộ Niệm Xứ Satipaṭṭhāna Sutta (Majjhima Nikaya MN.10).
    Trong đó, Đức Phật dạy 9 giai đoạn quán tử thi từ giai đoạn (1) thi thể được vứt bỏ ở nghĩa địa 2-3 ngày, trương sình/hôi thúi.. cho đến giai đoạn (9) đống xương bị phân hủy thành bột bụi.
    Chúng ta đang sống trong một thời đại khoa học kỹ thuật phát triển tinh vi, xem nhẹ chuyện tu tập tâm linh, vả lại cũng còn nhiều phép tu quán khác qua thân-thọ-tâm-pháp, đỡ phải hành xác đi đến nghĩa địa, nhưng thời nay thì đâu còn xác chết nằm trơ xương cho hành giả quán tưởng, hoặc cũng có thể tu tập theo những bài pháp ngắn gọn mà Đức Phật đã chỉ dạy cho đệ tử của mình như trong bản kinh Tương Ưng Saṃyutta Nikāya SN35.88: Sư Puṇṇa (Phú Lâu Na) chứng Tam Minh (tisso vijjā) (1*) – Puṇṇa Sutta.
    TPT dịch từ Kinh Pāli và Cập nhật – 2017

    Sư Puṇṇa đến bên Đức Phật. Khi đến, ngồi xuống một bên và thưa với Đức Phật:
    – Kính thưa Ngài, sẽ thật tốt lành cho đệ tử, nếu được Đức Phật chỉ dạy cho một pháp ngắn gọn. Sau khi nghe được pháp ngắn gọn ấy từ Đức Phật, đệ tử sẽ sống một mình, tịnh cư, cảnh giác, nỗ lực, quyết tâm.

    (Đức Phật chỉ dạy Sư Puṇṇa bài pháp ngắn)
    – Này Puṇṇa, có những sắc thấy bằng mắt, dễ hưởng thụ, vui thú, đáng yêu, cám dỗ, thân thương, kích thích. Nếu hành giả vui thú chào đón chúng, thì sẽ dính mắc với chúng. Do vui thú, chào đón và dính mắc với chúng, sự thích thú phát sinh. “Thích thú phát sinh, đau khổ phát sinh, Puṇṇa” ta bảo vậy.
    – Này Puṇṇa, có những âm thanh nghe bằng tai … những mùi ngửi bằng mũi … những vị nếm bằng lưỡi … những xúc tiếp cận bằng thân … những ý cảm nhận bằng tâm dễ hưởng thụ, vui thú, đáng yêu, cám dỗ, thân thương, kích thích. Nếu hành giả vui thú chào đón chúng, thì sẽ dính mắc với chúng. Do vui thú, chào đón và dính mắc với chúng, sự thích thú phát sinh. “Thích thú phát sinh, đau khổ phát sinh, Puṇṇa” ta bảo vậy.
    – Này Puṇṇa, có những sắc thấy bằng mắt, dễ hưởng thụ, vui thú, đáng yêu, cám dỗ, thân thương, kích thích. Nếu hành giả không vui thú và không chào đón chúng, thì sẽ không dính mắc với chúng. Do không vui thú, không chào đón và không dính mắc với chúng, sự thích thú ngưng diệt. “Thích thú ngưng diệt, đau khổ ngưng diệt, Puṇṇa” ta bảo vậy.
    – Này Puṇṇa, có những âm thanh nghe bằng tai … những mùi ngửi bằng mũi … những vị nếm bằng lưỡi … những xúc tiếp cận bằng thân … những ý cảm nhận bằng tâm dễ hưởng thụ, vui thú, đáng yêu, cám dỗ, thân thương, kích thích. Nếu hành giả không vui thú và không chào đón chúng, thì sẽ không dính mắc với chúng. Do không vui thú, không chào đón và không dính mắc với chúng, sự thích thú ngưng diệt. “Thích thú ngưng diệt, đau khổ ngưng diệt, Puṇṇa”
    ta bảo vậy.

    (Sư Puṇṇa đi đến một vùng có bạo lực để tu tập)
    – Giờ đây, Puṇṇa, Thầy đã được chỉ dạy bài pháp ngắn gọn, vậy Thầy sẽ đi đến trú xứ nào?
    – Kính thưa Ngài, có trú xứ được gọi Sunāparanta, là nơi đệ tử sẽ đến trú ngụ.
    – Bạo lực, này Puṇṇa, là vùng Sunāparanta. Thô lỗ , này Puṇṇa, là vùng Sunāparanta.
    * Nếu như, Puṇṇa, bị dân Sunāparanta chửi rủa và quấy nhiễu ngay nơi đó, Thầy sẽ làm gì?
    – Nếu, Thưa Ngài, bị dân Sunāparanta chửi rủa và quấy nhiễu ngay nơi đó, điều này sẽ xảy đến với đệ tử: “Rất tốt cho tôi là dân Sunāparanta, rất giúp ích cho tôi là dân Sunāparanta vì họ chưa tát mình bằng tay. Điều đó sẽ xảy ra cho đệ tử, thưa Ngài. Điều đó sẽ xảy đến cho đệ tử, thưa Đức Phật”.
    * Nếu như, Puṇṇa, bị dân Sunāparanta tát bằng tay ngay nơi đó, Thầy sẽ làm gì?
    – Nếu, Thưa Ngài, bị dân Sunāparanta tát bằng tay ngay nơi đó, điều này sẽ xảy đến với đệ tử: “Rất tốt cho tôi là dân Sunāparanta, rất giúp ích cho tôi là dân Sunāparanta vì họ chưa ném đất vào tôi. Điều đó sẽ xảy ra cho đệ tử, thưa Ngài. Điều đó sẽ xảy đến cho đệ tử, thưa Đức Phật”.
    * Nếu như, Puṇṇa, bị dân Sunāparanta ném đất ngay nơi đó, Thầy sẽ làm gì?
    – Nếu, Thưa Ngài, bị dân Sunāparanta ném đất ngay nơi đó, điều này sẽ xảy đến với đệ tử: “Rất tốt cho tôi là dân Sunāparanta, rất giúp ích cho tôi là dân Sunāparanta vì họ chưa đánh tôi bằng gậy. Điều đó sẽ xảy ra cho đệ tử, thưa Ngài. Điều đó sẽ xảy đến cho đệ tử, thưa Đức Phật”.
    * Nếu như, Puṇṇa, bị dân Sunāparanta đánh bằng gậy ngay nơi đó, Thầy sẽ làm gì?
    – Nếu, Thưa Ngài, bị dân Sunāparanta đánh bằng gậy ngay nơi đó, điều này sẽ xảy đến với đệ tử: “Rất tốt cho tôi là dân Sunāparanta, rất giúp ích cho tôi là dân Sunāparanta vì họ chưa đâm tôi bằng dao. Điều đó sẽ xảy ra cho đệ tử, thưa Ngài. Điều đó sẽ xảy đến cho đệ tử, thưa Đức Phật”.
    * Nếu như, Puṇṇa, bị dân Sunāparanta đâm bằng dao ngay nơi đó, Thầy sẽ làm gì?
    – Nếu, Thưa Ngài, bị dân Sunāparanta đâm bằng dao ngay nơi đó, điều này sẽ xảy đến với đệ tử: “Rất tốt cho tôi là dân Sunāparanta, rất giúp ích cho tôi là dân Sunāparanta vì họ chưa giết tôi chết bằng mũi dao nhọn. Điều đó sẽ xảy ra cho đệ tử, thưa Ngài. Điều đó sẽ xảy đến cho đệ tử, thưa Đức Phật”.
    * Nếu như, Puṇṇa, bị dân Sunāparanta giết chết bằng mũi dao nhọn ngay nơi đó, Thầy sẽ làm gì?
    – Nếu, Thưa Ngài, bị dân Sunāparanta giết chết bằng mũi dao nhọn ngay nơi đó, điều này sẽ xảy đến với đệ tử: “Có những đệ tử của Đức Phật đã trải nghiệm về thân và cuộc sống này là ghê tởm, là tủi nhục, là chán ghét; và họ đã phải tìm một người giết mướn; Nhưng không cần phải tìm người đó, vì đệ tử có sẵn một người giết mướn rồi. Điều đó sẽ xảy ra cho đệ tử, thưa Ngài. Điều đó sẽ xảy đến cho đệ tử, thưa Đức Phật”.

    (Đức Phật chấp thuận cho Sư Puṇṇa đi đến vùng có bạo lực để tu tập)
    Tốt lắm Puṇṇa, có sẵn sự tự chủ và an tịnh, Thầy có thể đi đến trú xứ Sunāparanta. Giờ đây là lúc Thầy nghĩ mình cần phải làm những gì.
    Rồi Sư Puṇṇa, hoan hỷ và cảm tạ những lời Đức Phật dạy, đứng lên từ chỗ ngồi, cúi lễ và đi vòng quanh Đức Phật hướng bên phải để từ biệt. Sau khi thu xếp ngăn nắp lại chỗ trú của mình, lấy bát và y vàng ra đi đến vùng Sunāparanta. Đi bộ dần dà và sau cùng Sư Puṇṇa đã đến được trú xứ Sunāparanta và lưu lại nơi đó.

    Sư Puṇṇa, qua mùa mưa an cư năm đó đã tạo dựng một hội chúng nam đông đảo 500 cư sĩ.
    Mùa mưa an cư năm đó, Sư Puṇṇa tạo dựng một hội chúng nữ đông đảo 500 người.
    Cũng muà an cư năm đó, Sư Puṇṇa chứng được Tam Minh (tisso vijjā)
    (1*).
    Cũng mùa an cư năm đó, Sư Puṇṇa nhập tối chung (vô dư) niết bàn.
    Rồi một số Tỳ khưu đến Đức Phật … sau khi ngồi xuống kế bên, các Sư thưa với Đức Phật:
    – Kính thưa Ngài, người của gia tộc tên Puṇṇa mà Đức Phật đã chỉ dạy một bài pháp ngắn đã từ trần.
    Số phận người ấy đi về đâu? Được tái sinh về đâu?
    – Qúi Thầy, thanh niên Puṇṇa là người thông minh, đã tu tập pháp tùy theo pháp, đã không có gây phiền phức gì cho ta về tu tập pháp.
    Này qúi Thầy, thanh niên Puṇṇa đã nhập niết bàn.
    ————————————————————————————————-
    (1*)
    Một số vị A la hán cũng chứng được “Tam Minh” như Đức Phật đã chứng:
    (1) Thần túc minh: có thể nhớ lại nhiều đời kiếp trước qua nhiều đại kiếp và có những thần thông này khác.
    (2) Thiên nhãn minh: thấy được sư khởi sinh và khởi diệt của chúng sinh, hiểu rõ chi tiết về mọi duyên nghiệp.
    (3) Lậu tận minh: bết rõ đã dứt trừ hết mọi ô nhiễm, đã đoạn tận hết phiền não.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *